Sau trận đấu gây tranh cãi với Angela Carini – người xin bỏ cuộc chỉ sau 46 giây – Khelif tiếp tục thi đấu áp đảo khi gặp Hamori ở tứ kết. Dù bị trừ điểm kỹ thuật, võ sĩ Algeria vẫn thắng 5-0 nhờ điểm trọng tài và sẽ gặp Janjaem Suwannapheng của Thái Lan ở bán kết sáng 7/8, giờ Hà Nội.
Góp mặt ở bán kết, Khelif chắc chắn có huy chương và sẽ là VĐV nữ đầu tiên của Algeria giành huy chương ở một kỳ Thế vận hội. Võ sĩ 25 tuổi khóc nức nở và hét lên bằng tiếng Ả Rập sau khi được trọng tài tuyên bố chiến thắng: “Tôi muốn nói với toàn thế giới rằng tôi là phụ nữ, và tôi sẽ vẫn là phụ nữ”.
Khelif trải qua kỳ Thế vận hội sóng gió, khi hứng chịu chỉ trích từ người hâm mộ cũng như những người nổi tiếng như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tác giả Harry Potter, JK Rowling, hay tỷ phú Elon Musk.
Nguồn cơn bắt đầu khi võ sĩ Algeria bị loại khỏi chung kết giải vô địch nữ thế giới 2023 vì có nồng độ testosterone cao, vượt tiêu chuẩn. Hiệp hội quyền Anh Quốc tế (IBA) vào cuộc, làm xét nghiệm DNA với Khelif và phát hiện cô mang nhiễm sắc thể XY.
Nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vẫn cho phép Khelif thi đấu tại Paris 2024 với tư cách VĐV nữ. Sau đó, IBA đã chỉ trích IOC, cho rằng các quy định khác biệt của tổ chức này đặt ra những dấu hỏi về tính công bằng trong thi đấu cũng như an toàn của VĐV.
Sau chiến thắng ở tứ kết hôm qua, Khelif cảm ơn IOC vì đã nói lên sự thật. “Cảm ơn Chúa vì đây là huy chương đầu tiên của Algeria ở môn quyền Anh nữ”, võ sĩ này nói thêm. “Tôi có thể nói với người dân Algeria rằng tôi đã giành được huy chương cho Algeria và người Ả Rập”.
Trước màn so găng, Hamori cũng gây tranh cãi khi chia sẻ bức ảnh miêu tả Khelif như quái vật. Nhưng hai võ sĩ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng, ôm nhau, có cuộc nói chuyện ngắn sau trận và Hamori cũng chúc đối thủ may mắn ở bán kết.
“Tôi không thể nói gì xấu về đối thủ”, võ sĩ người Hungary cho biết. “Vài ngày qua thật khó khăn với tất cả. Tôi tôn trọng và không có ý nghĩ xấu với Khelif. Tình huống này không phải lỗi của Khelif. Đây là trận đấu khó khăn nhưng tôi thi đấu tốt và đã cống hiến hết mình. “Đây vẫn là kỳ Thế vận hội tốt với tôi, và là giấc mơ thời thơ ấu của tôi. Tôi rất vui”.
Hồng Duy