– Hôm qua là ngày đặc biệt của điền kinh Việt Nam, khi chứng kiến Nguyễn Thị Oanh thi đấu hai nội dung cách nhau 30 phút do Ban tổ chức bất ngờ đổi lịch thi vào buổi sáng. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
– Qua nhiều năm thi đấu đỉnh cao cũng như làm trưởng bộ môn điền kinh từ năm 2005 đến 2021 rồi cùng các VĐV thi đấu quốc tế, tôi thấy chuyện đổi lịch phi lý như thế này là chưa có tiền lệ. Đây là một cách xử lý tùy tiện, coi thường các quốc gia tham dự, coi thường VĐV và những người làm chuyên môn.
Tại sao họ đưa 1.500m từ ngày 11/5 lên ngày 9/5, trong khi ngày 10/5 không có nội dung nào? Hai VĐV Philippines cạnh tranh với Oanh ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật được nghỉ ngơi hoàn toàn trước khi vào thi, vì không phải chạy 1.500m, và cũng có thể, những VĐV sẽ góp mặt ở nội dung 10.000m với Oanh ngày 12/5 sắp tới chẳng phải thi nội dung nào trước đó. Việc đổi lịch rõ ràng là hành động o ép VĐV Việt Nam.
– Việc thi đấu liên tiếp hai nội dung như thế ảnh hưởng thế nào với Oanh?
– Xét về năng lực, qua những gì thể hiện trong tập luyện, Oanh thậm chí đủ sức thi đấu thoải mái 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật trong buổi sáng, rồi thi thêm 10.000m vào buổi chiều, mà vẫn đoạt huy chương. Nhưng thành tích sẽ không cao. Thực tế cũng cho thấy thông số của Oanh, ở nội dung 1.500m là 4 phút 16 giây 85 và 3.000m vượt chướng ngại vật là 10 phút 34 giây 37, thấp hơn so với khả năng của cô ấy. Nếu lịch giãn ra, VĐV này sẽ có thời gian hồi phục để phấn đấu thành tích cao, thậm chí lập kỷ lục mới. Còn thi đấu với mật độ như thế, Oanh chỉ có thể cố gắng đảm bảo thành tích để đạt HC vàng.
– Vậy còn rủi ro về mặt thể chất từ việc thi đấu hai nội dung quá sát nhau như vậy?
– Thật sự, lúc này không ai biết Oanh sẽ chịu những tổn thất nào về thể chất, vì việc này cần đánh giá trên thông số chi tiết và chính xác từ các mẫu máu, nước tiểu lấy ngay từ bây giờ, rồi lấy sau một tuần, hai tuần, thậm chí vài tháng sau. Vấn đề không chỉ đơn giản là mệt mỏi, lượng oxy cần bù, mà còn cả về cơ bắp, vì nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật – với bảy rào nước và 28 rào cạn – đòi hỏi cả yếu tố tốc độ, sức bền lẫn sức mạnh cơ bắp. Tôi cảm phục ý chí thi đấu của Oanh, nhưng nếu đặt bản thân ở vị thế một người bố nếu có con gái ở hoàn cảnh của Oanh, tôi rất đau xót, khi việc VĐV bị ép thi đấu như thế vì lỗi của những người khác, vì mục đích và động cơ thế nào đó của họ.
– Đội điền kinh và lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam có thể làm gì để thay đổi việc này?
– Chuyện đổi lịch có nhiều bên tham gia, gồm ban tổ chức môn điền kinh của Đại hội và các quan chức kỹ thuật được Liên đoàn Điền kinh châu Á cử đến giám sát. Nhưng rõ ràng đội điền kinh của chúng ta, VĐV của chúng ta bị ép, nhưng chúng ta chỉ có thể đi theo để khắc phục. Theo tôi biết, lãnh đạo Liên đoàn Điền kinh Việt Nam có mặt ở Đại hội cũng có ý kiến gay gắt, nhưng ban tổ chức không thay đổi. Lẽ ra, chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn, vì việc đổi lịch này là sai luật, mà đã sai thì chúng ta có thể khiếu nại, thậm chí đề nghị dừng thi.
– Nếu ở vị trí chỉ đạo đội điền kinh như trước đây, ông sẽ xử lý tình huống này thế nào?
– Tôi sẽ không đồng ý cho Oanh thi đấu theo lịch như thế. Theo luật điền kinh, nếu bỏ một nội dung đã đăng ký, VĐV sẽ không được thi đấu nội dung tiếp theo. Nhưng việc đổi lịch của ban tổ chức là bất hợp lý, là phi luật. Vì thế, chúng ta có thể khiếu nại.
Nếu khiếu nại tại chỗ với ban tổ chức môn điền kinh không được, đội tuyển phải có ý kiến lên lãnh đạo đoàn Thể thao Việt Nam để họ có tiếng nói với ban tổ chức SEA Games. Bởi việc đổi lịch như thế ảnh hưởng đến các môn khác nữa, tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng, không công bằng. Hơn nữa, chúng ta cũng không thể cứ chạy theo những thay đổi tuỳ tiện của ban tổ chức.
Tôi hiểu, có thể vì áp lực thành tích, chỉ tiêu huy chương nên đội điền kinh vẫn để Oanh thi đấu. Nhưng chúng ta không thể vì thế mà đẩy VĐV vào thế phải chịu rủi ro lớn khi thi đấu liên tiếp hai nội dung chỉ trong khoảng 30 phút như vậy. Bây giờ có thể chưa vấn đề gì, nhưng nếu sau này, chẳng may, VĐV gặp vấn đề gì về sức khoẻ thì ai chịu trách nhiệm? Hay chúng ta chỉ tung hô VĐV lúc đỉnh cao, còn sau này, nếu có chuyện gì đó bất hạnh, chúng ta chỉ nhỏ vài giọt nước mắt thương xót. Vì thế, tôi không đồng tình việc này.
– Ông nhận định sao về cơ hội của Oanh khi thi nội dung cuối cùng là 10.000m nữ ngày 12/5?
– Chắc chắn đội tuyển và Oanh muốn tất tay ở nội dung này, dù không phải sở trường. Tôi đánh giá HC vàng là trong tầm tay, nếu nhìn vào khả năng của Oanh với kỷ lục quốc gia 33 phút 13 giây 23 năm ngoái. Nhưng có thể ban huấn luyện sẽ nhắm đến kỷ lục. Việc này sẽ phụ thuộc vào chiến thuật, với đồng đội thi đấu cùng, và các đối thủ. Với 25 vòng sân, tôi dự đoán Oanh sẽ cần khoảng 10-15 vòng đầu để thăm dò trước khi dốc sức.
Nhật Tảo