Kunlavut là hạt giống số tám, kém Shi Yuqi bảy bậc trên bảng Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF). Tuy nhiên, anh thống trị trên mặt sân ở Paris hôm qua 2/8, khi thắng áp đảo 21-12 và 21-10.
Chiến thắng của tay vợt Thái Lan đến khi anh nghỉ ít ngày hơn đối thủ Trung Quốc. Sau vòng bảng, Shi Yuqi có lợi thế hạt giống số một nên không phải đấu vòng loại trực tiếp đầu tiên. Trong khi đó, Kunlavut phải thắng ngược vất vả tay vợt Nhật Bản Kenta Nishimoto với tỷ số 16-21, 21-14, 21-12.
Kunlavut cho rằng anh ít áp lực hơn đối thủ nên đã chơi tốt hơn. “Tôi cố gắng tấn công nhiều, không cho anh ấy nhiều cơ hội tấn công ngược lại”, tay vợt 23 tuổi nói. “Shi Yuqi bắt đầu cảm thấy khó chịu, còn tôi vẫn thúc ép bản thân phải thắng nhanh”.
Kunlavut Vitidsarn sinh năm 2001, được coi là thần đồng cầu lông Thái Lan. Anh từng đứng đạt vị trí cao nhất là thứ ba thế giới vào tháng 6/2023. Kunlavut trở thành VĐV Thái Lan đầu tiên vô địch đơn nam giải cầu lông thế giới 2023, trước đó một năm anh giành á quân.
Trước đó, Kunlavut ba năm liền vô địch giải trẻ từ 2017 đến 2019. Anh có biệt danh là “Thánh ba set”, ám chỉ việc thường phải thi đấu ba ván nhưng luôn giành chiến thắng cuối cùng.
Dù đánh bại Shi Yuqi, Kunlavut không coi đây là trận hay nhất. “Trận đấu tiếp theo mới là hay nhất”, anh nói. “Đây là lần đầu tiên tôi dự Olympic và muốn đem về huy chương cầu lông đầu tiên cho Thái Lan trong lịch sử”
Ở bán kết, Kunlavut sẽ chạm trán Lee Zii Jia, đồng thời là hạt giống số bảy. Tay vợt Malaysia cũng chơi ấn tượng để thắng hạt giống số bốn người Đan Mạch Anders Antonsen 21-17, 21-15 ở tứ kết. Cặp đấu này giúp cho Đông Nam Á chắc chắn có huy chương Olympic 2024.
Trận bán kết còn lại là cuộc đấu giữa đương kim vô địch Viktor Axelsen (Đan Mạch) và tay vợt Lakshya Sen của Ấn Độ. Sen đứng thứ 22 trên bảng BWF, nhưng gây bất ngờ khi thắng đồng hương đứng thứ 13 Prannoy Haseena Sunil 2-0 ở vòng 1/8, rồi ngược dòng hạ số 11 Chou Tien Chen của Đài Loan với tỷ số 2-1, ở tứ kết.
Với việc sạch bóng ở bán kết, cầu lông Trung Quốc có kỳ thứ hai liên tiếp không giành HC vàng đơn nam. Trước đó, Chen Long thua Viktor Axelsen ở chung kết Tokyo 2020. Trong ba kỳ trước đó, Trung Quốc thống trị khi Lin Dan vô địch 2008 và 2012, còn Chen Long vô địch 2016.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn có cơ hội thâu tóm HC vàng ở bốn nội dung còn lại, trong đó đã có đôi nam nữ thuộc về cặp Zheng Siwei và Huang Yaqiong. Nội dung đôi nữ cũng chắc suất có vàng khi chung kết là cuộc đấu nội bộ giữa Chen Qingchen – Jia Yifan với Liu Shengshu – Tan Ning. Ở đôi nam, cặp Liang Weikeng – Wang Chang cũng được đánh giá cao hơn Lee Yang – Wang Chi-lin (Đài Loan) ở chung kết.
Đơn nữ Trung Quốc cũng chắc một suất vào bán kết, khi He Bingjiao gặp Chen Yufei ở tứ kết. Tuy nhiên, đại diện Trung Quốc sẽ phải vượt qua nhiều đối thủ mạnh, trước mắt có thể là nhà vô địch Rio 2016 người Tây Ban Nha Carolina Maria ở bán kết, hay hạt giống số một An Se-young của Hàn Quốc ở chung kết.
Cầu lông được đưa vào Olympic lần đầu năm 1972 với tư cách môn biểu diễn, và chính thức cạnh tranh huy chương từ kỳ 1992. Sau tám kỳ, Trung Quốc dẫn đầu khi giành 20 trong tổng số 39 HC vàng, cùng 12 HC bạc và 15 HC đồng. Xếp sau là Indonesia (8-6-7), Hàn Quốc (6-7-7), Đan Mạch (2-3-4) và Nhật Bản (1-1-2).
Hiếu Lương