Thu Vinh sinh năm 2000, trong một gia đình không có ai theo thể thao chuyên nghiệp, tại thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Đầu cấp hai, xem bạn bè chạy “thấy hay hay”, cô xin tập thử rồi bén duyên. Đi thi huyện, Thu Vinh bất ngờ giành HC bạc nên được thi tỉnh.
Sau đó, Thu Vinh “lọt vào mắt xanh” các nhà tuyển trạch chuyên nghiệp theo cách… chẳng giống ai. Một HLV môn cầu mây của Công an Nhân dân đang đi tìm VĐV trẻ để đào tạo, thấy Thu Vinh chơi rượt đuổi với bè bạn mà không ai theo kịp nên “chấm”. Cô sau đó được giới thiệu về bộ môn điền kinh của Công an Nhân dân.
Đó là năm 2014, Thu Vinh còn gầy gò, được đào tạo chạy cự ly trung bình 800m và 1.500m, thi thoảng lấn sang cả nội dung 5.000m của cự ly dài. Kỳ vọng nhiều, nhưng tập mãi không bứt phá. Ròng rã ba năm Thu Vinh không giành được tấm huy chương nào.
Đang trong lúc thất vọng, cô được giới thiệu sang thử bắn súng. Lúc đó, Thu Vinh đã xác định thử xem sao, nếu không được thì bỏ hẳn thể thao bởi bản thân sắp hết độ tuổi đào tạo trẻ.
Cú rẽ ngang này mang lại kết quả bất ngờ. Các chuyên gia đánh giá Thu Vinh có tố chất nên lấy luôn vào đội bắn súng. Chỉ một năm sau, năm 2018 cô đã sớm cho thấy tiềm năng với hai HC vàng cá nhân và đồng đội, đồng thời lập kỷ lục trẻ quốc gia ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Giải súng hơi thanh thiếu niên quốc gia. Cô sau đó được gọi lên đội tuyển.
Tuy nhiên, mọi thứ cũng không suôn sẻ hoàn toàn với Thu Vinh. Theo tiết lộ của cựu HLV Nguyễn Thị Nhung, năm đầu tiên lên tuyển, thành tích của học trò rất tốt nhưng sau đó tụt lùi. Đặc biệt trong khoảng thời gian chuẩn bị cho SEA Games 2019, xạ thủ này bắn không tốt, luôn né tránh, thậm chí sợ thi đấu. Bà Nhung và chuyên gia Park Chung-gun phải làm tâm lý cho Thu Vinh rất nhiều, giúp cô nhận rõ mình có kỹ thuật cá nhân tốt, chỉ cần tự tin vào bản thân là có thành tích.
Và, sau khi cải thiện được tâm lý, sự nghiệp của cô tiến bộ đáng kể. Trong lần đầu dự SEA Games, ở kỳ đại hội trên sân nhà năm 2022, Vinh giành HC đồng cá nhân và HC bạc đồng đội súng ngắn hơi nữ. Cô cho biết 2022 là năm không thể quên với bản thân, sau khi dự SEA Games, “ẵm” luôn thêm cú đúp HC vàng 10m súng ngắn hơi đồng đội nữ và 10m súng ngắn hơi đồng đội hỗn hợp nam nữ ở Đại hội thể thao toàn quốc. Ra đấu trường châu lục, Thu Vinh giành thêm HC vàng cá nhân 10m súng ngắn hơi nữ và HC vàng 10m súng ngắn hơi đồng đội hỗn hợp nam nữ và HC vàng đồng đội 25m súng ngắn nữ ở giải vô địch châu Á.
Thu Vinh cho biết niềm hạnh phúc lớn nhất của cô kể từ khi theo nghiệp bắn súng là khi giành được vé dự Olympic 2024. Ngày 17/8/2023, cô vượt qua vòng loại, lọt vào top 8 VĐV đấu chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại giải vô địch thế giới, đồng thời được tính là vòng loại Olympic 2024. Vào chung kết, Thu Vinh giành 175,6 điểm, đứng thứ năm chung cuộc và giành tấm vé danh giá đến Paris. Đây mới là VĐV thứ tư và là nữ xạ thủ thứ hai trong lịch sử bắn súng Việt Nam giành vé chính thức đến Olympic.
“Ba năm qua thành tích của tôi tốt hơn, có thêm phần thưởng để phụ giúp thêm gia đình. Đặc biệt, từ khi có vé dự Olympic, được nhắc tới nhiều, ra đường tôi được nhiều người biết tới hơn, cũng có chút tự hào”, Thu Vinh chia sẻ.
Tại Paris, Thu Vinh không giành được huy chương nhưng cũng gây ấn tượng mạnh khi là VĐV duy nhất của Việt Nam lọt vào chung kết hai nội dung. Cô đứng thứ tư ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và thứ bảy ở chung kết 25m súng ngắn thể thao nữ, trong lần đầu tiên tham dự Olympic.
Sau ngày thi đấu hôm qua, Thu Vinh tỏ ra tiếc nuối. Cô cho rằng bản thân đã rất nỗ lực, vượt qua chính mình ở nội dung không phải sở trường nhưng không thể đột phá do các đối thủ quá mạnh, đồng thời gửi lời xin lỗi người hâm mộ.
Nhưng, vốn là người lạc quan, Thu Vinh cảm thấy những thất bại vừa qua cũng cho cô những bài học cần thiết để hoàn thiện bản thân cho các mục tiêu sau này. “Tôi sẽ cố gắng tập luyện tốt hơn nữa để có được thành tích tốt đáp lại sự mong mỏi và tình cảm mà mọi người đã dành cho tôi”, Trịnh Thu Vinh chia sẻ.
Nghĩa Hưng