Bảng C được coi là dễ chịu với Việt Nam, khi Singapore và Guam chưa từng vào VCK U23 châu Á, còn Yemen cũng không được dự ở ba kỳ gần nhất. Trong khi đó, Việt Nam là khách quen tại giải bốn kỳ vừa qua, thậm chí từng là á quân của 2018 dưới trướng Park Hang-seo, và Top 8 năm 2022 cùng HLV Gong Oh-kyun.
Đương kim vô địch SEA Games Indonesia cũng rơi vào bảng nhẹ ký cùng Turkmenistan và Đài Loan, khi đây là bảng duy nhất chỉ có ba đội. Turkmenistan từng vào tứ kết kỳ trước, còn Indonesia và Đài Loan chưa từng dự giải.
Á quân SEA Games 32 Thái Lan cũng ở bảng không quá khó, với Malaysia, Bangladesh và Philippines. Thử thách lớn nhất của Thái Lan là Malaysia, khi hai đội từng gặp nhau tại vòng bảng SEA Games. Thành tích tốt nhất của hai đội này là vào tứ kết U23 châu Á, còn Bangladesh và Philippines chưa vượt qua vòng loại lần nào.
Vòng loại xuất hiện những bảng đấu khó thở, như bảng A có Jordan, Syria và Oman. Bảng B có Hàn Quốc, Qatar và Kyrgyzstan, bảng D chứa Nhật Bản, Bahrain với Palestine, hay bảng I với Australia, Tajikistan và Triều Tiên.
Vòng loại U23 châu Á 2024 diễn ra tháng 9/2023, với 43 đội chia vào 11 bảng. Lứa cầu thủ dự U23 châu Á sẽ sinh từ ngày 1/1/2001 trở về sau. Các đội đấu vòng tròn một lượt, tính điểm, chọn ra 11 đội đầu bảng và bốn đội có thành tích cao cùng chủ nhà Qatar dự vòng chung kết. Qatar vẫn đá vòng loại để cọ xát, và thành tích giữa họ với các đội trong bảng B không tính. Vì thế, có thể coi bảng B chỉ có ba đội, giống như bảng K của Indonesia.
Việt Nam sẽ làm chủ nhà ở vòng loại bảng C.
Vòng chung kết diễn ra năm 2024, từ 15/4 đến 3/5 tại ba thành phố ở Qatar, với 16 đội. Họ chia làm bốn bảng, sau đó đấu knock-out từ tứ kết để chọn ra ba đội đứng đầu dự Olympic 2024 tại Paris. Đội đứng thứ tư U23 châu Á sẽ tranh vé vớt Olympic với đại diện châu Phi.
U23 Việt Nam đang được HLV Philippe Troussier dẫn dắt, vừa đạt HC đồng SEA Games 32. Đội sẽ tập trung trở lại trong tháng 6/2023, để dự giải giao hữu Panda Cup tại Trung Quốc với chủ nhà, Bahrain và Uzbekistan.
Xuân Bình