Thông tin được Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đưa ra sau khi kiểm tra, rà soát các dự án có công trình đang triển khai xây dựng ven biển. Trong đó, địa bàn Phan Thiết có 11 công trình, còn lại ở các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam.
Tại Phan Thiết, các dự án nguy cơ gồm: khu du lịch sinh thái Biển Lặng, khu Apec Mandala Wyndham Mũi Né, khu du lịch Minh Sơn, khu biệt thự cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng Đồi Hòn Rơm, khu Goldsand Hill Villa, khu nghỉ dưỡng Mũi Né, khu đô thị dịch vụ du lịch Hưng Lộc Phát, khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát, khu Sentosa Villa, khu du lịch Thung Lũng Đại Dương và khu nhà ở Phú Hài.
Ba công trình còn lại ở các huyện, gồm: chùa Minh Đạo (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong), khu du lịch Hawaii (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) và khu du lịch nghỉ dưỡng Amiana (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam).
Sở Xây dựng Bình Thuận đã đề nghị TP Phan Thiết, các huyện và chủ đầu tư phải rà soát hồ sơ thiết kế và hạng mục công trình thuộc dự án; có giải pháp bảo vệ môi trường, phương án ứng phó an toàn. Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu các chủ dự án phải lập tổ ứng phó nhanh sự cố tại chỗ để chủ động xử lý, không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường, ảnh hưởng giao thông và an toàn các khu dân cư ven biển khi có mưa lớn.
Những năm qua, tình trạng sạt lở tràn bùn cát xuống đường ven biển Bình Thuận thường xảy ra mỗi khi mưa lớn. Gần nhất, hôm 21/5, sự cố lũ cát ập xuống từ đồi cao ở Mũi Né vùi lấp ôtô, hư hỏng nhà dân, ảnh hưởng hoạt động du lịch trong khu vực. Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Sở Xây dựng rà soát các công trình có nguy cơ sạt lở.
Việt Quốc