Tại hội thảo khoa học quốc gia Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tổ chức sáng 19/5, GS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên là vấn đề hệ trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là gốc của người cách mạng. Đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tận trung với nước, với Đảng; tận hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… “Tuy nhiên, hiện còn bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân”, ông Thắng nói.
Theo ông, thời gian qua, nhiều cán bộ bị kỷ luật, xử lý có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật, pháp luật. Vì vậy, khi xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, cần kế thừa truyền thống dân tộc, chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Mỗi cán bộ, đảng viên “cần là tấm gương mẫu mực cho quần chúng, nhân dân noi theo”.
Xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên phải gắn với hệ giá trị nền văn hóa Việt Nam, các hệ giá trị quốc gia, văn hóa chính trị, giá trị gia đình; kết hợp giữa xây và chống, chỉ rõ biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” sẽ cảnh tỉnh những biểu hiện tinh vi mới của tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm.
“Phương châm này cũng cần được coi là cơ sở để tìm hiểu nguyên nhân, phân biệt rõ động cơ tốt – xấu của những vi phạm để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung”, ông Thắng nói.
Đạo đức là cơ sở đánh giá cán bộ
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cũng khẳng định cần thiết xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên giai đoạn mới vì đây là cơ sở để cán bộ phấn đấu, rèn luyện, là căn cứ đánh giá cán bộ.
Theo ông, đạo đức cán bộ cần được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có quan điểm của Đảng về đạo đức; quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm; quy định của Nhà nước về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức. Những chuẩn mực này cần được bổ sung các giá trị đạo đức mới, phù hợp với thực tiễn.
Trong tham luận gửi đến hội thảo, PGS Đặng Thị Lan (khoa Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng đạo đức là nền tảng để cán bộ phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo, tiên phong. Tuy nhiên, nhiều cán bộ đang tha hóa, thậm chí vi phạm pháp luật. Sự tha hóa quyền lực của cán bộ dẫn đến tham nhũng, cửa quyền.
Bà nói, mặt trái của quyền lực kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường gây ra những tha hóa nghiêm trọng về đạo đức, lối sống. Tình trạng nhũng nhiễu đang xảy ra trong tất cả các lĩnh vực y tế, văn hóa, chính sách xã hội, tổ chức cán bộ, hoạch định chính sách, với mức độ ngày càng tăng.
Vì vậy, xây dựng đạo đức cách mạng cần được coi là quá trình lâu dài, liên tục để cán bộ hình thành tri thức, hành vi đạo đức, sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Đây là quá trình giác ngộ, có sự giám sát của quần chúng. Cùng với pháp luật, đạo đức sẽ góp phần duy trì ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển.
PGS Lê Công Sự, Đại học Hà Nội, lo lắng khi quan liêu là bệnh kinh niên của chế độ phong kiến nhưng đến nay “vẫn tồn tại dai dẳng như bóng ma ám ảnh cán bộ, công chức nhà nước”. Quan liêu hiện diện mọi nơi, mọi chỗ trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương.
“Quan liêu của cấp trên là ô che đỡ cho thao túng quyền lực, tham nhũng của cấp dưới, bởi những người này chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy mà không kiểm tra tận tình công việc”, ông Sự phân tích.
Hội thảo quốc gia Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức.