Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

‘Cần đơn giản hóa cấp phép tàu bay không người lái cho mục đích giải trí’

Ngày 28/8, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Phòng không nhân dân. Theo dự thảo, tàu bay không người lái (UAV) là thiết bị bay không cần điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái. Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay.

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng loại phương tiện này phải có giấy phép bay; phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước khi bay. Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không.

Cơ quan chức năng đình chỉ chuyến bay nếu phát hiện phương tiện bay không đúng thời gian, độ cao, cự ly, khu vực của giấy phép bay; không thông báo chuyến bay cho Trung tâm quản lý điều hành bay; không hiệp đồng bay với cơ quan quân sự địa phương. Người điều khiển bay không có giấy chứng nhận, bay chưa đăng ký hoặc không đúng theo đăng ký cũng bị đình chỉ bay.

Hàng trăm máy bay mô hình khủng hội tụ biểu diễn tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Hàng trăm máy bay mô hình khủng hội tụ biểu diễn tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó đoàn Trà Vinh, cho rằng quy trình cấp phép cho UAV hiện nay khá phức tạp, đặc biệt là thiết bị sử dụng cho mục đích dân sự, thương mại hoặc giải trí. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hoặc nghiên cứu.

Quy định về phân loại UAV dựa trên mục đích sử dụng, kích thước, trọng lượng và khả năng hoạt động còn chưa rõ ràng, khó khăn quản lý. Từ đó, ông đề nghị dự thảo luật phân loại UAV, bao gồm loại dành cho dân sự, quân sự và thương mại và giải trí; đơn giản hóa hơn quy trình cấp phép, đặc biệt là UAV có mục đích sử dụng rõ ràng và ít rủi ro như quay phim, chụp ảnh, nông nghiệp.

Theo ông Bình, các hệ thống giám sát hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu theo dõi và quản lý tàu bay không người lái trong không phận, đặc biệt là các khu vực đông dân cư hoặc nhạy cảm. Việc này có thể gây ra rủi ro về an ninh, đặc biệt là trong các khu quân sự và sự kiện quan trọng.

Vì vậy, dự thảo luật nên quy định về phát triển hệ thống giám sát không phận tiên tiến, cho phép kiểm soát UAV liên tục. UAV phải được trang bị hệ thống định vị, cảnh báo để ngăn chặn xâm nhập vào các khu vực nhạy cảm.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó đoàn Lâm Đồng, đồng tình việc quản lý UAV, phương tiện bay siêu nhẹ cần phân cấp để phù hợp và tạo thuận lợi cho người dân sử dụng trong lĩnh vực như nông nghiệp, văn hóa, giải trí. Song việc quản lý các phương tiện này vẫn phải bảo đảm về quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Ông cho rằng dự thảo chưa làm rõ quy định về việc nghiên cứu, chế tạo UAV trong đời sống hàng ngày sẽ được điều chỉnh thế nào. Trong khi tùy nhu cầu, cá nhân có thể nghiên cứu, ứng dụng UAV, phương tiện bay siêu nhẹ để làm nông nghiệp, phun thuốc sâu, rải phân; phòng cháy, chữa cháy; quản lý, bảo vệ rừng; làm văn hóa nghệ thuật. “Cần giao nội dung này cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tế cuộc sống”, ông nói.

Luật Phòng không nhân dân dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024.



Leave a Comment

0.0/5