Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

‘Cần Giờ là mặt tiền biển kết nối TP HCM ra thế giới’

“Vấn đề là làm sao chọn đúng định hướng phát triển để vừa phát huy tiềm năng về kinh tế vừa giữ gìn những giá trị tự nhiên, văn hóa, môi trường của vùng đất này”, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại hội thảo Cần Giờ xanh, hướng tới đô thị sinh thái ven biển, tổ chức ngày 16/8.

Cách trung tâm thành phố khoảng 50 km về phía Đông Nam, Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP HCM giáp biển, có rừng phòng hộ, và rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển. Huyện đảo này có diện tích 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích TP HCM, với gần 80.000 dân, giao các cửa sông lớn gồm sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.

Theo ông Mãi, nếu đầu tư phù hợp, Cần Giờ sẽ đại diện TP HCM kết nối với Vũng Tàu và các địa phương trong hành lang ven biển và nối ra với thế giới. Trong xu hướng phát triển sắp tới, hành lang này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, thậm chí quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.





Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại hội thảo, ảnh: Minh Triết

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Triết

Đồng tình, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity, chuyên gia tư vấn quy hoạch, nhấn mạnh Cần Giờ có vị trí địa lý chiến lược, có thể kết nối các tuyến hàng hải trọng điểm giữa châu Á – châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương, trở thành cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thế giới. Tuy nhiên, hiện bức tranh Cần Giờ đang khá tương phản với phía Đông, khi phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang hình thành một trung tâm cảng – công nghiệp nặng – năng lượng quan trọng hàng đầu.

“Liệu Cần Giờ có đang bỏ qua cơ hội phát triển trở thành cảng trung chuyển quốc tế hay không?”, ông Dũng nói và cho rằng thành phố có thể tham khảo kinh nghiệm thành công về quy hoạch không gian biển của Singapore, Hongkong – Thẩm Quyến, Thượng Hải, Hà Lan… Ví dụ với Singapore, quy hoạch không gian kinh tế biển tập trung vào 6 lĩnh vực cảng biển, du lịch và giải trí, lấn biển, bảo tồn, neo đậu tàu, nuôi trồng hải sản.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện phó Nghiên cứu Phát triển TP HCM, nói trong tổng thể phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cần Giờ cần triển khai nhanh hai siêu đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Điều này sẽ làm đòn bẩy, đánh thức tiềm năng, phát triển toàn diện địa phương.

Theo đó, Cảng trung chuyển quốc tế là hạt nhân quan trọng, mang tính chất quyết định tương lai phát triển kinh tế biển của huyện Cần Giờ và cả thành phố. Trung tâm kinh tế hàng hải Cần Giờ sẽ được phát triển theo mô hình khu mậu dịch tự do bao gồm trung tâm cảng biển nước sâu, trung tâm logistics và trung tâm dịch vụ hỗ trợ.

“Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm kết nối trong mạng lưới sản xuất, xuất khẩu của TP HCM và toàn vùng”, ông Vũ nói và cho rằng huyện đảo này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, là nền tảng cơ bản để tái cấu trúc kinh tế của thành phố.





Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài ra, định hướng của TP HCM đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ, xây dựng và phát triển khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế tại đây. Thành phố kỳ vọng Cần Giờ có thể góp phần tạo sự tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ được những lợi thế về tự nhiên và văn hóa.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh, Viện nghiên cứu kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng muốn Cần Giờ phát triển phải khắc phục những điểm nghẽn giao thông, chính sách địa phương đang gặp phải.

Hiện, kết nối giao thông đường bộ đến địa phương này còn nhiều hạn chế khi cao tốc Bến Lức – Long Thành “trễ hẹn” nhiều năm. Cầu Cần Giờ kết nối Nhà Bè với huyện qua sông Soài Rạp vẫn trong quá trình chờ thực hiện. Các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội các dự án cầu, khu dân cư lấn biển, cảng trung chuyển… chậm triển khai.

“Những điều này gây ra nhiều hệ lụy, giảm dần cơ hội và tính cạnh tranh của huyện”, ông Vinh nói và đề nghị khi quy hoạch phát triển cầu Cần Giờ, cảng biển thì phải đồng bộ quy hoạch cả đường bộ, đường sắt đô thị song hành kết nối với Vũng Tàu, Tiền Giang… để phá vỡ thế ốc đảo của huyện.

Chuyên gia này cũng cho rằng các dự án chắc chắn sẽ tác động đến môi trường. “Nói không ảnh hưởng được là không đúng nhưng ở mức độ chấp nhận được”, ông Vinh nói.





Tuyến phà Cần Giờ - Vũng Tàu chạy tại bến thuộc thuyện Cần Giờ, TP HCM ngày 4/1/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuyến phà kết nối Cần Giờ – Vũng Tàu. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Nghị quyết định hướng phát triển Cần Giờ do Thành ủy TP HCM ban hành, thành phố đặt kế hoạch tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2030 của huyện tăng 20,7% mỗi năm. Đến 2030, ngành dịch vụ chiếm gần 75% tổng giá trị sản xuất của địa phương; toàn bộ đường đô thị được chiếu sáng; tất cả phương tiện giao thông công cộng dùng năng lượng sạch, 100% rác thải được xử lý.

Cần Giờ sẽ tập trung phát triển dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. Địa phương này được định hướng thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với tổng lượng khách giai đoạn 2021-2030 là 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5% mỗi năm. Năm 2030, Cần Giờ sẽ là thành phố biển nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái với thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng mỗi năm.

Lê Tuyết



Leave a Comment

0.0/5