Ngày 16/7, ôtô chở cánh điện cánh điện gió vẫn đỗ trên đường liên thôn vào dự án điện gió Ia Le 1, sau ba hôm bị người dân bao vây, dùng cây, gạch đá chặn đầu xe không cho di chuyển. Cánh quạt này của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 đưa vào thay thế cánh quạt bị gãy hồi cuối tháng 4.
Bà Phạm Thị Hòa, 44 tuổi, người dân ở xã Ia Le cho biết gia đình có 3 ha đất, tài sản trong khu vực dự án. Trong đó, căn nhà của bà ở cách trụ điện gió khoảng 80 m, có đường dây điện đi qua nên rất lo lắng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình. Chưa kể, dưới cánh quạt điện gió là đất sản xuất, gồm chuồng trại chăn nuôi dê, trồng chanh cũng sẽ bị ảnh hưởng nên mức bồi thường của chủ đầu tư là chưa hợp lý.
“Dự án đã vận hành nhưng 4 năm qua chưa giải quyết dứt điểm đền bù khiến chúng tôi rất bức xúc”, bà Hòa nói và cho biết phía chủ đầu tư nhiều lần thoả thuận cấp cho gia đình 250 m2 đất ở vị trí khác, song bà không chấp nhận.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mạnh, 55 tuổi, ở cách trụ điện gió số 27 khoảng 145 m cho biết đến nay gia đình chưa nhận được khoản đền bù nào. Bà cho rằng, ở gần trụ điện gió bị tiếng ồn ảnh hưởng, cuộc sống gia đình bị đảo lộn. “Vừa rồi một cánh quạt bất ngờ bị gãy khiến gia đình tôi luôn thấp thỏm”, bà Mạnh nói.
Nhà máy điện gió Ia Le 1 có công suất 100 MW với 28 trụ tua bin gió, được vận hành từ năm 2021. Dự án có diện tích sử dụng đất lên đến 65 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Theo UBND xã Ia Le, trong khu vực hành lang tháp gió dự án điện gió Ia Le 1 có 46 hộ bị ảnh hưởng, chưa được hỗ trợ, bồi thường. Ngoài ra, hai hộ có nhà ở gần trụ điện gió vẫn chưa thống nhất đền bù, tái định cư.
Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Nguyễn Minh Tứ cho biết người dân chặn xe yêu cầu chủ dự án phải đền bù trong phạm vi hành lang tháp gió 200 m. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về đền bù, hỗ trợ ảnh hưởng trong phạm vi hành lang tháp gió. Vì vậy huyện chưa có cơ sở yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.
“UBND huyện đã yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất với người dân rồi mới được đưa cánh quạt vào khu vực dự án, tránh gây điểm nóng về an ninh trật tự”, ông Tứ nói.
Đồng thời, chính quyền huyện Chư Pưh sẽ xác minh giấy phép, thủ tục liên quan việc vận chuyển cánh quạt điện gió; làm rõ có hay không hành vi kích động người dân bao vây, chặn xe chở cánh quạt, gây mất an ninh trật tự.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1, cho rằng việc đền bù, mở đường đưa các thiết bị điện gió đã hoàn tất từ nhiều năm trước. Công ty và người dân sẽ thỏa thuận cụ thể để giải quyết sự việc.
Hồi tháng 5, UBND tỉnh Gia Lai đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng, sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực; trong đó đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào Luật Điện lực; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió.
UBND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu về tác động của cánh quạt tua bin điện gió, tiếng ồn của tua bin gió để sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng cách an toàn của cột tháp gió.
Trần Hóa