Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Công đoàn: Lao động mong muốn tăng lương tối thiểu đầu năm 2024

Ngày 21/7, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết trước khi Hội đồng tiền lương quốc gia họp vào đầu tháng 8 bàn thảo điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024, công đoàn đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát tình hình việc làm, đời sống và nguyện vọng công nhân.

“Phần lớn người lao động mong muốn tăng lương vào đầu năm sau. Song tăng mức bao nhiêu, trong quá trình thương lượng các bên sẽ bàn thảo trên tinh thần thiện chí, chia sẻ”, ông nói, thêm rằng tăng lương tối thiểu là quy định thực hiện nhiều năm. Dù công đoàn chia sẻ với doanh nghiệp trong trong bối cảnh thiếu đơn hàng nhưng cuộc sống của lao động cũng rất bí bách khi việc làm bị cắt giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao.





Công nhân Pouyuen - doanh nghiệp đông công nhân nhất TP HCM,  sau giờ tan ca tháng 6/2021. Đầu năm 2023 đến nay, công ty này liên tiếp cắt giảm khoảng 10.900 lao động. Ảnh: Như Quỳnh

Công nhân Pouyuen – doanh nghiệp đông công nhân nhất TP HCM, sau giờ tan ca tháng 6/2021. Đầu năm 2023 đến nay, công ty này liên tiếp cắt giảm khoảng 10.900 lao động. Ảnh: Như Quỳnh

Ông Hiểu cũng bày tỏ “rất tiếc khi tới thời điểm này Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố mức sống tối thiểu hàng năm” để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị chính sách tiền lương, theo quy định Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2018. Các thành viên tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia vì thế vẫn phải áp dụng phương pháp cũ để xác định mức lương tối thiểu dù không còn thực sự hợp lý.

Cụ thể, nhiều năm qua, mức sống tối thiểu hàng tháng của lao động gồm chi phí dành cho lương thực, thực phẩm và nhóm phi lương thực gồm quần áo, giải trí, đi lại; nuôi con nhỏ; nhà ở và chỉ số giá tiêu dùng CPI. Tỷ lệ của nhóm chi phí dành cho nhóm lương thực là 48% và phi lương thực là 52%; chi phí nuôi con nhỏ bằng 70% người lớn. Công đoàn thấy tỷ lệ trên chưa hợp lý và kiến nghị thay đổi nhưng chưa có kết quả.

Khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn cuối năm 2022 cho kết quả gần 59% công nhân không có khoản tích lũy và thu nhập giảm còn 5,9 triệu đồng do ảnh hưởng của cắt giảm việc làm. Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu. Tuy nhiên, mức sống này được khảo sát vào thời điểm giá điện, xăng, nước chưa tăng.

Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu thường điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Song do ảnh hưởng của dịch, lương tối thiểu tạm hoãn tăng từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022. Lương tối thiểu điều chỉnh lần gần nhất ngày 1/7/2022 với mức tăng 240.000 – 260.000 đồng tùy từng vùng.

Thời điểm tăng lương gây tranh luận trái chiều khi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) muốn thực hiện từ ngày 1/1/2023 để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sau dịch, nhưng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiên định với đề xuất tăng từ 1/7.

Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ diễn ra 2 – 3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai, khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục diễn ra tới cuối năm nay.

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng VnExpress thực hiện cuối tháng 4, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp tham gia cho kết quả 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Khoảng 5.200 công ty có kế hoạch cắt giảm lao động, nhiều nhất ở hai lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP HCM, Bình Dương.

Thống kê quý II, số lao động bị mất việc là 217.800 người, tập trung ở các ngành gặp khó về đơn hàng như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện. Xét theo địa phương, nhóm này tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa. Thị trường lao động được nhìn nhận sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức do tổng cầu thế giới vẫn suy giảm – tác động đến đơn hàng cũng như các cú sốc tiêu cực khác từ bên ngoài.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

Hồng Chiêu



Leave a Comment

0.0/5