Ý kiến được PGS TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam nêu tại hội thảo khoa học quốc gia 200 năm kênh Vĩnh Tế – Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai, ngày 14/11. Hội thảo do UBND tỉnh An Giang và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.
Theo sử sách, năm 1819, tức năm Kỷ Mão, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, vua Gia Long ban sắc dụ, giao quan Trấn Thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế.
Sắc dụ với nội dung: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi dẫu ngày nay khó nhọc mà thực có lợi cho muôn đời“.
Kênh được thiết kế song song tuyến biên giới, thông từ Châu Đốc đến Giang Thành – Hà Tiên, để tháo lũ rửa phèn cho vùng, đồng thời tạo nên một con đường thủy trọng yếu có tính chiến lược trong việc trấn giữ miền biên viễn.
Trải qua hai đời vua triều Nguyễn – Gia Long và Minh Mạng, kênh đã hoàn thành dài 87 km, rộng 30 m, với sự tham gia của hơn 80.000 nhân công, đào bằng tay trong 5 năm (1819-1824).
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh. Bà Châu Thị Tế, vợ Thoại Ngọc Hầu thuộc dòng họ Châu Vĩnh, vì công lao giúp chồng đào kênh, cũng được vua đặt tên kênh.
Theo PGS TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam, việc xây dựng tuyến kênh song song tuyến biên giới đã thể hiện tư duy chiến lược về chủ động phòng thủ. Theo ông, cùng với mốc chủ quyền biên giới, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu, xác lập và khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.
Cụ thể, kênh Vĩnh Tế như một chiến hào nhân tạo dài và rộng đủ độ sâu cần thiết để ngăn chặn âm mưu, hành vi xâm lấn của đối phương. Ngay sau khi tuyến kênh khai thông, vùng đất Nam Bộ được khai phá và dần mở rộng, chủ yếu theo các tuyến sông, kênh rạch.
Cùng với đó hệ thống chính quyền triều Nguyễn cũng lần lượt ra đời, các đồn lũy bảo vệ đất đai, dân cư được dựng lên, chính sách khuyến khích khẩn hoang, lập làng được đẩy mạnh.
“Đây là những đảm bảo vững chắc để cư dân người Việt vững tâm tiến vào khai phá và lập nghiệp trên vùng đất Nam Bộ. Việc thiết kế và thi công tuyến kênh sát biên giới cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của vua quan nhà Nguyễn lúc đó”, thiếu tướng Vũ Quang Đạo nêu ý kiến.
Theo TS Ngô Quang Láng, Phó Chủ tịch thường trực Hội khoa học lịch sử tỉnh An Giang, hội thảo khoa học đã nhận được 85 tham luận của các tác giả là nhà sử học, nhà nghiên cứu.
Theo ông, các tham luận đã tập trung làm rõ nhiều nội dung, trong đó khẳng định vai trò của kênh Vĩnh Tế trong kháng chiến chống Pháp. Cụ thể, kênh là cầu nối giữa chiến trường Đông Nam Campuchia với chiến trường Tây Nam Bộ, phá vỡ chiến lược phong tỏa biên giới của địch; là đầu cầu chiến lược cho sự chi viện nhân lực, vật lực của Trung ương về khu Tây Nam Bộ.
Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, xóm ấp cặp theo kênh Vĩnh Tế dù bị tàn phá nặng nề nhưng quân dân Việt Nam vẫn cố bám giữ đất, dựng phòng tuyến phản công địch, giành chiến thắng.
Trong khi đó, PGS TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất ở An Giang, một trong 4 kênh lớn ở Nam Bộ.
Theo PGS, giá trị của Kênh Vĩnh Tế tiếp tục được khai thác và phát huy cho đến ngày nay. Tháng 7/1996, nhận thấy rõ vai trò quan trọng của kênh Vĩnh Tế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kênh T5 – Tuần Thống (sau này gọi là kênh Võ Văn Kiệt) với chiều dài 36,7 km, đưa nước ngọt từ kênh mẹ Vĩnh Tế xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra tới biển Tây.
“Nhờ tuyến kênh này, chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989-1999) thành công, góp phần quan trọng đưa sản lượng lúa của An Giang thuộc nhóm đầu của cả nước”, ông Nhật nói.
Ngọc Tài