Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đề xuất cán bộ tín nhiệm thấp trong 10 ngày phải từ chức

Tại dự thảo mới nhất Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND, Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã đề xuất quy định trên.

Đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm (thể hiện sự tín nhiệm hoặc không đối với người giữ chức vụ), Ban soạn thảo đề xuất xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp tổ chức lấy phiếu hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày sau khi công bố kết quả.

Như vậy, dự thảo mới đã quy định rõ hơn về thời hạn thực hiện hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để “tham khảo trong đánh giá cán bộ” như trước đây.

Ngoài ra, Ban soạn thảo bổ sung trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác; chờ nghỉ hưu; thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm.





Quang cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11/2022. Ảnh: Media Quốc hội

Quang cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11/2022. Ảnh: Media Quốc hội

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm (thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm) đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các chức danh Quốc hội phê chuẩn gồm: Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên UBND. HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Ban Công tác đại biểu đánh giá quy định hiện hành về hệ quả đối với người được lấy phiếu đang không rõ ràng về thời hạn, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ. Cách gọi “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm” trùng lặp, dễ nhầm lẫn. Hướng dẫn việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa kịp thời nên khi triển khai còn lúng túng.

Việc xây dựng nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong văn kiện của Đảng và pháp luật, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 11/5.

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình rút gọn để tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2023.

Sơn Hà

Leave a Comment

0.0/5