Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đề xuất không lấy phiếu tín nhiệm với người đang chữa bệnh hiểm nghèo

Đây là một trong những điểm mới trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nội dung được bổ sung thông qua tổng kết thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm và ý kiến góp ý của nhiều cơ quan, được đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí.

Dự thảo cũng quy định diện không lấy phiếu tín nhiệm gồm người đã có thông báo nghỉ công tác, chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Dự kiến, Quốc hội khóa 15 sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ sáu, khai mạc tháng 10/2023.

Ngày 15/1, Thủ tướng phân công nhiệm vụ các Phó thủ tướng, trong đó lĩnh vực phụ trách của ông Lê Văn Thành được giao cho ba người còn lại trong thời gian ông Thành vắng mặt.

Ngày 19/5, tại họp báo trước kỳ họp thứ năm, báo chí đặt câu hỏi về việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với Phó thủ tướng Lê Văn Thành khi ông đã vắng mặt lâu ngày. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu, cho biết theo quy định, trước 45 ngày dự kiến diễn ra kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định danh sách người lấy phiếu tín nhiệm chính thức.





Đại biểu Quốc hội tại phòng họp Diên Hồng. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tại phòng họp Diên Hồng. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Quy định 96 ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ ba – năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND, các Trưởng ban của HĐND; Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ trong diện phải lấy phiếu tín nhiệm thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với tất cả chức vụ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Theo dự thảo, cán bộ có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức trong không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Như vậy, dự thảo mới đã quy định rõ hơn về thời hạn thực hiện hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để “tham khảo trong đánh giá cán bộ” như trước đây.

Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong văn kiện của Đảng và pháp luật, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ. Ngày 9/6, dự thảo nghị quyết sẽ được Quốc hội thảo luận ở hội trường và biểu quyết thông qua chiều 23/6.


Sơn Hà

Leave a Comment

0.0/5