Theo dự thảo nghị định về tinh giản biên chế đang chờ thẩm định, Bộ Nội vụ liệt kê trường hợp cán bộ, công chức, viên chức diện tinh giản. Ngoài trường hợp quy định tại Nghị định 108/2014 và hai văn bản sửa đổi năm 2018, 2020, có một số cán bộ, công chức được bổ sung vào diện tinh giản gồm: Người thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, hoặc không đủ điều kiện tái cử, tái bổ nhiệm và tự nguyện tinh giản.
Người bị kỷ luật chưa đến mức bị bãi nhiệm hay bị buộc thôi việc, cá nhân có kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định đạt dưới 50% hoặc tự nguyện thực hiện tinh giản được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Ngoài ra, còn có người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở các cấp này.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2023, Bộ Nội vụ dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư gần 49.000 và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư khoảng 28.000.
Dự kiến nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp đối với các trường hợp cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ ngay (nghỉ trước 60 tháng so với lộ trình sắp xếp) là hơn 9.700 tỷ đồng. Bộ Nội vụ tính toán nếu không tinh giản biên chế với số người dôi dư, nhà nước vẫn phải chi trả tiền lương cho họ dự kiến gần 19.500 tỷ đồng và các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần nhà nước đóng) cho họ.
Dự thảo nghị định cũng đưa ra các chính sách khuyến khích tinh giản như: Trường hợp về hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước và thôi việc.
Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định về tinh giản biên chế hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói căn cứ vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung chính sách để sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Việc tinh giản biên chế cũng phải gắn với cơ cấu lại và hướng tới nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện.
Dự kiến, Nghị định về tinh giản biên chế sẽ được ban hành trong năm 2023 và áp dụng đến hết năm 2030, thay thế các Nghị định số 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định 113/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108 và Nghị định số 143/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108.
Thống kê của Bộ Nội vụ, từ ngày 15/10/2018 đến 31/12/2022, các bộ, ngành, địa phương tinh giản được gần 80.000 người (bộ, ngành có hơn 5.500 người và địa phương có hơn 73.600 người). Nếu tính theo đối tượng áp dụng, số viên chức tinh giản biên chế chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 66%); kế đến là cán bộ, công chức cấp xã (19%); thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp (0,216%) và người làm việc tại các hội (0,230%).
Tính theo lý do, tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (hơn 52%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (15%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (15%) và thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo (3%).
Võ Hải