Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Gạch tháp Chăm bị phủ lớp muối sau trùng tu

Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp bắc, tháp giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, kinh phí 12,6 tỷ đồng. Viện Khoa học công nghệ xây dựng thi công từ năm 2019, cuối năm 2022 hoàn thành.

Tháp bắc cao 16,9 m, được trùng tu với diện tích 57 m2; tháp giữa cao 18,7 m, được trùng tu 75 m2. Vật liệu gồm gạch, vôi và dầu rái.





Nhóm tháp Chăm Khương Mỹ có 3 tháp, trong đó tháp Bắc và Giữa (phía bên phải) được trùng tu. Ảnh: Đắc Thành

Nhóm tháp Chăm Khương Mỹ có 3 tháp, trong đó tháp bắc và giữa (phía bên phải) được trùng tu. Ảnh: Đắc Thành

Sau hơn bốn tháng, đến nay gạch trên nhiều mảng tường của hai tháp bám nhiều muối, cả mặt ngoài và phía trong. Một số mảng tường bám rêu xanh.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết cụm tháp Chăm đã có từ 1.000 năm, khi trùng tu đưa vật liệu mới vào thì xuất hiện muối trên bề mặt gạch. Muối có trong đất làm gạch, sau thời gian sử dụng thì lộ ra bên ngoài. Loại gạch này được mua từ Bình Định, do Công ty cổ phần An Lạc thí nghiệm. Hiện tượng rêu mốc do tháp Khương Mỹ bị ảnh hưởng của mạch nước ngầm hồ Phú Ninh cùng thời tiết mưa gió.

Theo ông Thành, muối không ảnh hưởng đến kết cấu tháp, chỉ gây mất mỹ quan. Do dự án đang trong thời gian bảo hành, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị thi công là Viện Khoa học công nghệ xây dựng vào khảo sát, đưa ra cách khắc phục. Chiều nay, họ sẽ vào.





Muối và rêu xanh bám một lớp dày ngoài các viên gạch được trùng. Ảnh: Đắc Thành

Muối và rêu xanh bám một lớp dày bên ngoài các viên gạch. Ảnh: Đắc Thành

Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam, cho rằng về lâu dài muối sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạch, mà chất lượng gạch là yếu tố then chốt trong trùng tu di tích. Muối xuất hiện sau trùng tu tháp Chăm từng xuất hiện ở tháp Mỹ Sơn, song các chuyên gia nước ngoài có cách khắc phục.

Trước khi trùng tu, chuyên gia đem gạch ngâm nước suối ba ngày, ba đêm. Suốt thời gian này, họ dùng giẻ chà xát để đẩy muối dính phía ngoài viên gạch rồi đem phơi khô. Họ lặp lại ba lần như vậy, khi trùng tu thì không muối nữa.

Ông Cẩm cho hay để xử lý muối bám trên gạch sau khi trùng tu, các chuyên gia Italy giới thiệu loại dung dịch tinh thể bột hòa với nước, sau đó trát lên tường. Sau một tháng, lớp hoạt chất trên hút sạch muối và tróc ra. Muốn làm cách này, đơn vị trùng tu phải liên hệ với nước ngoài mua dung dịch.





Muối và rêu xanh bám một lớp dày bên ngoài các viên gạch ở tháp Chăm Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành

Muối và rêu xanh bám một lớp dày bên ngoài các viên gạch ở tháp Chăm Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành

Nhóm tháp Khương Mỹ gồm ba công trình xếp thành hàng ngang theo trục bắc nam, cách quốc lộ 1 khoảng 200 m, cách TP Tam Kỳ 400 m, được công nhận di tích quốc gia năm 1989. Với kiến trúc Chămpa truyền thống, tháp có mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông. Mái gồm ba tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng là chóp bằng sa thạch.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tháp nam được xây dựng đầu tiên, lớn nhất trong nhóm, cấu trúc gần như hai tháp kia, nhưng trên mỗi mặt tường chỉ có 4 trụ ốp tường. Hoa văn trang trí trên các trụ ốp tường và mảng tường là dải hoa thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với hoa văn hình thoi.

Gạch tháp Chăm mới trùng tu bị xì muối

 
 

Gạch hai tháp Chăm mới trùng tu bị muối bám. Video: Đắc Thành

Đắc Thành

Leave a Comment

0.0/5