Kỷ vật của cố họa sĩ gồm tranh vẽ bằng bột màu, phác thảo bằng bút chì chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các mẫu huy hiệu, tem thư, tiền và thiết kế trang trí mặt trước Lăng.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, con gái cố họa sĩ, nói cha mình dành cả cuộc đời cống hiến cho hội họa. Ông kể khó nhất khi vẽ chân dung Hồ Chủ tịch là lột tả được thần thái, để người xem cảm nhận được nhân cách, con người lãnh tụ.
“Người họa sĩ phải có trình độ và tay nghề rất cao, phải đặt cái tâm vào trong bức họa và có sự kính trọng, tình yêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bà Thủy nói.
Trung tướng Phạm Tuân kể, năm 1980, phái đoàn Việt Nam sang Liên Xô giao ông trọng trách mang một số đồ vật đại diện hình ảnh Việt Nam vào vũ trụ, trong đó có Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9, cờ Tổ quốc, di chúc, hai huy hiệu có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và nắm đất tại Ba Đình. Lúc đó ông chưa biết nguồn gốc và tác giả của tác phẩm này là họa sĩ Bùi Trang Chước.
“Hy vọng những kỷ vật này tiếp tục được lưu giữ, giúp người dân hiểu thêm lịch sử, văn hóa dân tộc”, trung tướng Phạm Tuân nói.
Họa sĩ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh năm 1915, tại xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941, giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt và dành nhiều thời gian sáng tác.
Là họa sĩ tài năng hàng đầu của nền hội họa Việt Nam, ông nổi tiếng với các bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tem thư, áp phích, huy hiệu, đồng tiền. Ông còn sáng tác mẫu Quốc huy, nay được công nhận bảo vật quốc gia.
Hà Nội và Đà Nẵng đã lấy tên họa sĩ Bùi Trang Chước đặt tên đường để tưởng nhớ ông. Năm 2022, cố họa sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với thiết kế mẫu Huân chương (Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động); thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam và tác phẩm Khu gang thép Thái Nguyên.