Huyện Chương Mỹ nằm ở hạ lưu của sông Tích, sông Bùi, chịu tác động của lũ từ Hòa Bình đổ về. Do phía thượng lưu sông Bùi có độ dốc lớn nên dòng chảy tập trung nhanh, cường độ lớn, chảy từ tây sang đông, tràn qua đê hữu Bùi của huyện Chương Mỹ (gọi là lũ rừng ngang). Lũ rừng ngang thường gây ngập lụt cho các xã vùng trũng ở hữu ngạn sông Bùi của Chương Mỹ.
Trong 15 năm qua, đợt lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8/2024 là lần thứ 4 nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã. Lần đầu năm 2008, khi Hà Nội trải qua trận lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017, lần thứ ba vào tháng 7/2018. Cứ mỗi đợt lụt, các cơ quan lại đưa ra nhiều giải pháp, nhưng thực tế nước vẫn tràn qua đê và người dân vẫn phải chèo thuyền trên đường làng.
Ông Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai chịu ảnh hưởng lớn của lũ rừng ngang. Những năm gần đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu để cố gắng đưa ra giải pháp.
Chi cục Thủy lợi Hà Nội năm 2020 đề xuất đề tài khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiêu úng và phòng, chống lũ rừng ngang khu vực hữu sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ”, thực hiện trong năm 2022-2023. Chủ nhiệm đề tài là thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy (Viện Quy hoạch Thủy lợi) cho hay nhóm đã đề xuất cả giải pháp trước mắt và lâu dài.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất trước mắt cắt, tách lũ rừng ngang để không tràn vào vùng trũng thấp của huyện Chương Mỹ; xây dựng đê bao chắn lũ và cải tạo hệ sông suối thoát lũ. Đê hữu Bùi cùng toàn bộ đê chống lũ rừng ngang cần được nâng cao, phân thành 4 đoạn đê bao. Để tiêu úng, cần nâng cấp toàn bộ 11 trạm bơm hiện có, xây thêm 3 trạm mới.
Bà Thủy cho rằng với các giải pháp như trên có thể chống được mức lũ tương đương với trận lũ năm 2008, 2017, 2018 và đợt lũ đang diễn ra.
Về lâu dài, bà Thủy cho biết cần tiếp tục nâng cấp công trình đê để không chỉ chống được mức lũ như những năm qua mà cả lũ từ sông Hồng vào sông Đáy với tần suất 2.500 m3/s như trong Quyết định 1821 về phòng chống lũ sông Đáy. Muốn làm điều này, hệ thống đê phải được nâng cao lên một mét nữa.
Với giải pháp di dân, theo bà Thủy, quá trình làm việc với chính quyền địa phương và người dân 10 xã, thị trấn bị ngập nặng, bà con bày tỏ không muốn di dời. “Nếu thực hiện được các giải pháp chống lũ ở trên thì không cần thiết di dời toàn bộ dân, nhưng khu vực ngoài đê, sát sông thì nên xem xét”, bà Thủy nói.
Để đề tài được tiếp thu và triển khai, nhóm nghiên cứu đề nghị đưa kết quả nghiên cứu vào Quy hoạch Thủ đô đang xây dựng, bước tiếp theo là có trong danh mục các công trình đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Từ góc độ chính quyền xã, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch xã Nam Phương Tiến, nói năm 2018 thành phố và huyện đã tính di dân toàn bộ khu vực ngập úng. Nhưng dân cư đông, sinh sống từ vài trăm năm, phong tục tập quán, kế sinh nhai gắn liền với vùng này nên không muốn di dời đi nơi khác.
Để thích ứng với lũ, người dân xây dựng nhà mới sẽ theo mô hình nhà vượt lũ, nâng cốt nền, tầng 1 gần như bỏ trống chỉ đề đồ đạc khi không có lũ; đồ có giá trị để trên tầng 2, sinh hoạt cũng ở tầng 2 trở lên. Những hộ chưa có điều kiện xây nhà mới đều có khu vực cao để di chuyển đồ khi lũ lên.
Từ ngày 23/7, mưa xối xả tại chỗ kết hợp với lũ rừng ngang từ Lương Sơn (Hòa Bình) đổ về khiến lũ sông Bùi vượt báo động ba khoảng 40 cm. Nước tràn qua đê hữu Bùi khiến 2.500 dân ở chuyện Chương Mỹ và Quốc Oai bị ngập sâu 0,5-2 m, buộc phải sơ tán. 3 người thiệt mạng do mưa lũ.
Đến sáng nay, một số khu dân cư ở các thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Bồ, Hạnh Côn của xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ vẫn ngập. Còn lại phần lớn người dân đã trở về nhà từ ngày 4-5/8 khi nước rút.
Võ Hải