Khoảng 1h, tại vùng biển xã Triệu An (Triệu Phong, Quảng Trị), vợ chồng ông Nguyễn Công Toan (54 tuổi) và Nguyễn Thị Toán (49 tuổi, cùng trú xã Triệu Độ) đang đánh cá trên biển thì bị giông lốc nhấn chìm thuyền, cả hai mất tích.
Cũng rạng sáng nay, tại vùng biển huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), hai thuyền máy của hai ngư dân xã Vĩnh Thái bị giông lốc nhấn chìm. Ngư dân đã bơi vào bờ an toàn. Đồn Biên phòng Cửa Tùng và ngư dân đã kéo hai thuyền vào bờ sửa chữa.
Tương tự tại vùng biển xã Ngư Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), 9 thuyền cá với 10 ngư dân Ngư Thủy Bắc bị giông lốc nhấn chìm khi đánh bắt cách bờ 3-5 hải lý lúc rạng sáng. 9 người bơi được vào bờ, riêng ông Nguyễn Văn Thoảng (54 tuổi, trú xã Ngư Thủy Bắc) mất tích.
Khoảng 2h30, hai tàu cá đang neo đậu trên biển ở xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) thì bị giông lốc làm đứt neo. Một tàu bị đánh chìm gần bờ biển xã Phú Thuận, một tàu trôi dạt vào gần bờ biển xã Phú Hải.
Hiện biên phòng phối hợp cảnh sát biển và nhiều lực lượng ở địa phương tổ chức tìm kiếm ngư dân mất tích, trục vớt tàu thuyền bị đắm.
Giông lốc cũng khiến nhiều diện tích lúa ở Quảng Bình, Quảng Trị bị đổ rạp. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho biết đã vận động bà con khẩn trương thu hoạch với diện tích lúa đã chín, nâng đỡ lúa sắp chín nhằm giảm tỷ lệ nảy mầm, giảm thiệt hại.
Những ngày qua, Bắc Trung Bộ là tâm điểm nắng nóng của cả nước. Huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) ngày 7/5 nóng 44,2 độ C – cao nhất từ trước đến nay trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhiều tỉnh khác cũng nóng 40-41 độ C. Đến sáng nay, không khí lạnh tràn xuống. Sự xung đột giữa hai luồng không khí lạnh và nóng làm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa đá.
Tổng hợp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ tối qua đến sáng nay nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung xuất hiện giông lốc, mưa đá, làm hơn 1.000 nhà tốc mái, hơn 7.500 ha lúa, hoa màu hư hại. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là Cao Bằng hơn 470 nhà, Lào Cai 200 nhà, Nghệ An 165 nhà.