“Pháp luật quy định chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc”, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nói khi báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/5.
Ông cho biết từ tháng 1/2003 đến tháng 12/2021, cơ quan BHXH tại nhiều địa phương đã thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể. Do không đúng quy định pháp luật, những người này chưa được tính thời gian đóng để hưởng chế độ, trong đó có nhiều trường hợp đóng gần 20 năm.
Một số trường hợp bức xúc đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện BHXH tỉnh ra Tòa án như tại tỉnh Tuyên Quang. Cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị giải quyết hậu quả của việc làm trái luật nói trên.
Ban Dân nguyện đánh giá việc thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng thuộc trách nhiệm của ngành bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ hộ kinh doanh cá thể. Do đó, Ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam rà soát việc thực hiện BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể trên phạm vi toàn quốc.
“Chính phủ phải chỉ đạo BHXH Việt Nam rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra sai sót khi thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”, ông Bình nói.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương sẽ nằm trong nhóm tham gia BHXH bắt buộc. Tiền lương đóng BHXH với chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã sẽ do người đó tự chọn, dao động từ 2 đến 36 triệu đồng và sau một năm đóng được chọn lại.
Kiến nghị thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với ngân hàng
Trong đơn thư gửi về Ban Dân nguyện, cử tri, nhân dân cũng lo lắng vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, rõ ràng, gây rủi ro và thiệt hại cho người mua. Vì vậy, Ban kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên kết với ngân hàng thương mại.
Cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và quyền lợi của người tham gia.
Báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng nêu thực trạng các loại hợp đồng mua bán nhà, bảo hiểm, kỳ nghỉ thường hiện được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Vì vậy, khách hàng thường tin tưởng, không đọc hoặc đọc nhưng nhiều nội dung không hiểu. Do đó, trong hợp đồng có điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền rà soát, giám sát chặt chẽ quá trình thẩm định hợp đồng mẫu để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bên mua.