Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Hoàn thành phục dựng ngôi đình 300 năm tuổi ở Thủ Thiêm



Ngôi đình mới có diện tích khoảng 1.200 m2, gần gấp đôi đình cũ. Cổng chính đình xây theo lối tam quan truyền thống với hai tầng mái.



Trên nóc cổng, chánh điện, vỏ ca… lợp ngói lưu ly, gắn tượng điển tích lưỡng long tranh châu, phần mái vút cong với các đầu đao uốn lượn, kiến trúc thường thấy ở đình làng truyền thống.



Ngay lối vào trong là bức bình phong thờ thần hổ, phía sau là sân đình và chánh điện. Hổ là biểu tượng của sự dũng mãnh, uy linh, có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương, hình tượng phổ biến trong đời sống dân gian của người Việt.



Chánh điện rộng gần 400 m2, được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ (có bốn cột cái, một gian hai chái), lợp ngói, khung gỗ, tường gỗ.



Phần khung chánh điện với hệ thống cột chắc chắn có bệ đá, tường hoàn toàn bằng gỗ, các cánh cửa được chạm trổ tinh xảo.



Bên trong chánh điện với các gian thờ trang trí hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng.



Đình thờ chính Thần Hoàng bổn cảnh cùng các bàn thờ khác như Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Bạch mã thái giám, Bạch hổ Sơn thần. Nội thất trong đình với các án thờ, bộ binh khí, linh vật, chiêng trống được đưa từ đình cũ sang, một số được phục chế lại.

Sau khi tham quan một vòng chánh điện, ông Trần Văn Bé cho biết, ngôi đình khang trang và có quy mô lớn hơn. Các vật dụng thờ cúng và lối bài trí đúng như trước kia. “Xưa nhà tôi chỉ ở cách đình có trăm mét nên hay qua đây mỗi dịp lễ Tết. Nay nghe đình đình được phục dựng nên tới cúng thần hoàng, mong ông phù hộ”, người đàn ông 76 tuổi nói.



Tại án thờ thần hoàng, bà Phạm Thị Hoa, 73 tuổi, cúng bái sau khi tham quan đình mới. Bà cho biết, gia đình ba đời sống ở vùng đất Thủ Thiêm, mỗi dịp hội đình An Khánh cả nhà đều tham gia. “Ngôi đình thiêng lắm, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của bà con trong vùng”, bà nói.



Tượng ngựa, hạc cưỡi rùa của đình cũ có tuổi đời khoảng 100 năm được sơn và bài trí lại trong chánh điện.



Các công trình phụ như nhà bếp, nhà hậu (nơi để hương chức hội họp, dân làng quy tụ chuẩn bị lễ cúng tế) nằm ở hai bên hông chánh điện, xung quanh trồng nhiều cây xanh.

Khi chưa di dời, lễ kỳ yên đình An Khánh được tổ chức vào ngày 15 và 16/11 âm lịch hàng năm. Trước kia trong khuôn viên đình cũ còn có mộ cổ được cho là Thần hoàng của làng, hiện đã khai quật và đưa về khu mộ cổ Gò Quéo (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức).



Đình An Khánh lung linh bên sông Sài Gòn, phía bên kia là khu trung tâm thành phố với các tòa cao ốc hiện đại.

Quỳnh Trần

Leave a Comment

0.0/5