Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nghỉ việc chờ rút bảo hiểm

Sau gần hai tháng đắn đo, bỏ qua lời khuyên của gia đình, chị Nguyễn Minh Ngọc quyết định nộp đơn nghỉ việc sau hơn 16 năm gắn bó Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Xuất phát là công nhân nhưng nhờ phấn đấu, chị được cất nhắc lên vị trí quản lý. Trước khi nghỉ việc, lương cơ bản của chị đạt gần 15 triệu đồng. Nếu tăng ca đều đặn, thêm các khoản phụ cấp, thu nhập mỗi tháng của chị lên đến 30 triệu đồng.

“Tôi sợ sắp tới hạ năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm thì những người tham gia đủ thời gian không rút được nữa”, chị Ngọc nói lý do nghỉ việc.

Chị Ngọc từng lập gia đình nhưng không có con. Ở tuổi 47, chị bắt đầu nghĩ đến tuổi già và tự lên kế hoạch cho bản thân. “Nếu tôi không rút tiền ra, lỡ chết sẽ mất hết”, nữ công nhân nói. Chị tạm tính số tiền nhận được khoảng 300 triệu đồng sẽ gửi ngân hàng, lấy lãi hàng tháng, tiền gốc để dành dưỡng già.

Hiện tại để có tiền trang trải cuộc sống, chị thuê mặt bằng, mở quán ăn. Chi phí duy trì quán mỗi tháng gần 40 triệu đồng. Mỗi ngày chị thức dậy từ 4h30 và kết thúc ngày làm việc vào 2h. “Quán mới mở, chưa có khách nhiều nhưng vài tháng nữa sẽ ổn”, chị Ngọc dự tính.





Công nhân Nidec Việt Nam trong giờ ăn ca . Ảnh: An PhươngCông nhân Nidec Việt Nam trong giờ ăn ca . Ảnh: An Phương

Công nhân Nidec Việt Nam trong giờ ăn ca . Ảnh: An Phương

Chị Ngọc không phải trường hợp cá biệt ở nhà máy Nidec chủ động nghỉ việc để nhận trợ cấp một lần. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty, nói nhiều công nhân có thâm niên, quản lý có thu nhập hàng tháng 20-30 triệu đồng cũng nộp đơn nghỉ làm chờ rút bảo hiểm. Lý do được lao động đưa ra là cần tiền lo cho con nhỏ, xây sửa nhà ở quê, lấy tiền làm vốn kinh doanh tự do…

Đặc biệt, lý do thường thấy là lao động lo nếu không rút sau này “chết sẽ mất hết”. Hai năm gần đây khi có nhiều thông tin về giảm thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu hoặc giảm số tiền hưởng, số người nghỉ việc để rút bảo hiểm càng nhiều.

“Nhiều công nhân chỉ nghĩ đến khoản trợ cấp một lần”, ông Hồng nói và cho biết một số người bỏ ý định sau khi nghe giải thích nếu không rút trợ cấp một lần sau này về già được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế miễn phí. Chưa kể nếu chẳng may người lao động qua đời, ngoài trợ cấp mai táng phí, con cái dưới 18 tuổi và cha mẹ già của họ không có thu nhập sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng hoặc chọn nhận một lần.

Tương tự, gần hai năm qua, mỗi tháng, nhà máy Juki Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận có khoảng 1% nhân sự nghỉ việc, hơn một nửa là lao động thâm niên. Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch công đoàn công ty, nói khi thấy nhiều cán bộ quản lý, công nhân lâu năm lương cao đột ngột nộp đơn, công đoàn hỏi thăm được biết nguyên nhân là muốn rút tiền bảo hiểm.

Có cán bộ quản lý thâm niên 19 năm, lương khá cao đề xuất với công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nhưng vẫn được làm thời vụ để không phát sinh đóng bảo hiểm xã hội. Một năm sau họ rút được tiền thì công ty ký lại hợp đồng. “Ban giám đốc không đồng ý vì như vậy là vi phạm pháp luật. Công ty khuyên ở lại nhưng họ vẫn nghỉ”, ông Đại nói.

Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc thường trực Công ty TNHH Juki Việt Nam, nói văn hóa của doanh nghiệp Nhật luôn đề cao lao động có tay nghề, gắn bó lâu năm với công ty. Điều đó thể hiện bằng chính sách tăng lương hằng năm và bổ nhiệm các vị trí quản lý. Công nhân thâm niên lương cơ bản rất tốt. Những người ham học hỏi, có ý chí sẽ được tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, dù có nhiều cách để giữ chân, lao động vẫn chọn nghỉ để nhận trợ cấp một lần.

Theo ông Cường, lao động nghỉ việc để rút bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng nguồn nhân lực của công ty mà chính họ cũng chịu rất nhiều rủi ro. Công nhân phải bắt đầu hành trình mới lương khởi điểm sẽ rất thấp, chẳng may không tìm được việc, cuộc sống bấp bênh đến già.





Công nhân nhà máy Juki trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương

Công nhân nhà máy Juki trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương

Tại buổi góp ý dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức mới đây ở TP HCM, tình trạng lao động chủ động nộp đơn nghỉ việc chờ rút bảo hiểm được đại diện công đoàn các tỉnh phía nam nhắc đến. Một số nhà máy ở Đồng Nai, Long An có hơn nửa lao động nộp đơn với mục đích chờ rút bảo hiểm đã ảnh hưởng sản xuất. Cán bộ công đoàn đến tổ chức hàng chục buổi tư vấn công nhân mới rút đơn.

Ông Nguyễn Phước Đại nói nhiều công nhân tính toán trong thời gian nghỉ việc chờ hưởng rút bảo hiểm, họ có thể làm công việc thời vụ. Chưa kể, trong thời gian này họ vẫn được hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp. Với công nhân 35-40 tuổi nếu quay lại nhà máy tiếp tục tham gia bảo hiểm vẫn có thể đủ thời gian hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, công nhân chưa tính được rủi ro sẽ không tìm được việc mới hoặc thời gian tham gia bảo hiểm không đủ để hưởng lương hưu vì sức khỏe, suy thoái kinh tế cắt giảm lao động. Thực tế chính sách bảo hiểm khuyến khích lao động đóng dài để lương hưu cao. Ví dụ, một công nhân đóng bảo hiểm đủ 30 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu đến 75%, trong khi đóng 15 năm mức hưởng chỉ 45%.

Ông Nguyễn Hải Đạt, điều phối quốc gia chương trình An sinh xã hội (Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam), nói công nhân nghỉ việc để rút bảo hiểm, ngoài truyền thông còn hạn chế, một vấn đề khác cần làm rõ là phải hiểu đúng về chính sách an sinh xã hội.

“An sinh xã hội là trách nhiệm, sự chia sẻ của mọi người chứ không phải là tiền tiết kiệm để rút ra”, ông Đạt nói. Cốt lõi của bảo hiểm xã hội là hệ thống nhằm hỗ trợ và bảo vệ người lao động trước những rủi ro trong cuộc sống như tuổi già, bệnh tật, thất nghiệp… Sự hỗ trợ đó không chỉ từ đóng góp của người tham gia, chủ sử dụng lao động mà toàn bộ hệ thống.





Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội huyện Hóc Môn, TP HCM, ngày 11/4. Ảnh: Đình Văn

Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội huyện Hóc Môn, TP HCM, ngày 11/4. Ảnh: Đình Văn

Ngoài ra, để doanh nghiệp đóng 14% tiền lương vào quỹ hưu trí tử tuất, Chính phủ phải dùng công cụ pháp lý nhằm bắt buộc. Số tiền này được miễn thuế, doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất hàng hóa, dịch vụ và được tiêu dùng trong xã hội thông qua giá cả, tức xã hội đã trả để đảm bảo an sinh cho người lao động.

“Để hệ thống bảo vệ cho công dân tốt nhất cần có sự đoàn kết và chia sẻ của tất cả người tham gia. Bởi một người rút ra không chỉ ảnh hưởng cá nhân họ mà còn hệ luỵ người khác”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, bên cạnh việc giúp lao động hiểu đúng chính sách bảo hiểm để đưa ra quyết định đúng, Việt Nam cần tạo ra văn hóa “hưởng an sinh xã hội” qua các khoản trợ cấp từ một số quỹ ngắn hạn đang kết dư rất nhiều. Khi có thêm nhiều “củ cà rốt” được trao trong quá trình tham gia, người lao động sẽ thấy lợi ích để ở lại hệ thống.

Lê Tuyết

Leave a Comment

0.0/5