Chiều 9/5, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong đó giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Bộ cũng cần bổ sung quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, đơn vị bảo hành, bảo dưỡng giữa hai chu kỳ kiểm định; kết quả bảo dưỡng phương tiện giữa hai kỳ kiểm định là cơ sở để kiểm định xe.
Phó thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng liên thông cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, đơn vị đăng kiểm, trung tâm bảo hành phương tiện và đơn vị bảo hiểm. Chứng nhận kiểm định của các trung tâm bảo hành được đăng ký trên cổng dịch vụ công.
Hiện nay, chu kỳ kiểm định được tính theo số tháng hoạt động của phương tiện; trong đó chu kỳ của xe kinh doanh vận tải ngắn hơn xe gia đình.
Hai phương án chu kỳ đăng kiểm xe theo thời gian hoặc km được Cục Đăng kiểm Việt Nam lấy ý kiến chuyên gia từ giữa tháng 3. Một số ý kiến cho rằng nếu tính chu kỳ đăng kiểm theo km thực tế sẽ gặp khó khăn, nhưng tính theo thời gian cũng bất hợp lý.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ mỗi ngày chạy khoảng 250 km thì 24 tháng (chu kỳ đầu) sẽ đi khoảng 200.000 km. Trong khi đó, xe cá nhân, gia đình dưới 9 chỗ, mỗi ngày chỉ đi khoảng 50 km thì trong 30 tháng (chu kỳ đầu) đi 45.000 km. Như vậy, xe cá nhân đi số km ít hơn nhiều so với xe kinh doanh nên cần được kéo dài chu kỳ kiểm định.
Sau 5 tháng công an cả nước điều tra sai phạm trong ngành đăng kiểm, hàng trăm đăng kiểm bị bắt khiến nhiều Trung tâm kiểm định phải đóng cửa. Tình trạng quá tải đang diễn ra tại 184 trung tâm ở 43 tỉnh, thành phố. Riêng hai tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình, mỗi tỉnh chỉ có một đơn vị đăng kiểm nhưng đều đang dừng hoạt động.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam mới đây cho biết nhiều trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội đang phải đặt lịch hẹn cho người dân trong 1-2 tháng tới. Các đơn vị đã tăng ca, làm thêm giờ, cả ngày nghỉ lễ nhưng tình trạng quá tải vẫn xảy ra vì thiếu nhân lực. Ngành cần 6 tháng để giải quyết tình trạng ùn tắc, trong đó khu vực Thủ đô Hà Nội và TP HCM có mật độ phương tiện cao nên phải kéo dài thời gian hơn.
Ngày 21/3, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 02 quy định các loại xe mới được miễn đăng kiểm lần đầu; ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 30 tháng như trước đây lên 36 tháng. Xe sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ kiểm định định kỳ được kéo dài từ 18 lên 24 tháng. Xe sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước là 12 năm) chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; xe trên 20 năm thì giữ 6 tháng.
Với xe chở người các loại trên 9 chỗ có kinh doanh vận tải, chu kỳ đầu tiên tăng từ 18 lên 24 tháng. Xe sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ định kỳ tăng từ 6 lên 12 tháng. Xe trên 5 năm giữ nguyên quy định 6 tháng kiểm định một lần.