Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nỗi lo sự cố khi vận hành thủy điện mùa nước cạn

0h ngày 10/6, chuông báo thức reo, ông Phùng Đình Hải, Tổ trưởng thủy công Nhà máy thủy điện Thác Bà (huyện Yên Bình, Yên Bái) bật dậy khỏi giường. Mặc bộ đồng phục điện lực, ông cầm theo thước đo chuyên dụng lên xe máy ra mặt đập thủy điện đo mực nước. Đây là công việc phát sinh mỗi ngày ba lần kể từ khi mực nước thấp hơn vị trí đặt thiết bị đo tự động.

Suốt quãng đường hơn một km từ nhà ra mặt đập, ông Hải cứ tự hỏi: Hôm nay nước về nhiều không? Mực nước hồ đã đủ phát điện trở lại chưa? Đến nhà máy, ông đi nhanh đến thành đập, thả thước đo đến mặt nước, soi đèn pin vào vị trí hiển thị và lắc đầu khi mực nước gần như không biến đổi so với 8 tiếng trước.

“Hơn 10 năm làm việc ở đây, chưa bao giờ tôi thấy mực nước hồ thủy điện Thác Bà xuống thấp và lâu lên trở lại đến vậy”, ông Hải vừa nói vừa ghi chép số liệu để báo cáo về phòng trực ban.





Cột đo nước tự động ở thuỷ điện Thác Bà. Ảnh: Ngọc Thành

Phòng điều khiển thủy điện Thác Bà. Ảnh: Ngọc Thành

Ngày 1/6, nước hồ xuống 45,57 m, dưới mực nước chết (mực nước tối thiểu để vận hành các tổ máy là 46 m). Khoảng cách từ mặt nước đến điểm nước dâng bình thường gần 13 m. Lần đầu trong 52 năm hoạt động, thủy điện Thác Bà công suất 120 MW phải dừng hai tổ máy. Tổ còn lại chất lượng tốt nhất chạy cầm chừng, tạo dòng chảy vừa đủ xuống hạ du để đảm bảo môi trường nước.

Ngay dưới mặt đập là nhà điều hành với 5 nhân viên túc trực. Không rời mắt khỏi màn hình hiển thị thông số tại phòng điều khiển, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, lo lắng nói vận hành tổ máy trong trạng thái hiện nay có thể phát sinh sự cố bất cứ lúc nào. Mỗi chỉ số vượt giới hạn cần có biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Vì thế cứ hai tiếng một lần, công nhân, cán bộ kỹ thuật của nhà máy lại phải đi kiểm tra các vị trí dễ tổn thương nằm dưới mặt nước như tuabin cánh quạt, thiết bị làm mát. Những nơi này không thể quan sát bằng camera.

Rời phòng điều khiển, ông Cường đi xuống phòng quan sát tuabin cánh quạt. Càng đi tới gần, tiếng ồn phát ra càng lớn. Lắng tai nghe độ rung, ông có thể nhận biết mức độ ảnh hưởng để yêu cầu dừng tổ máy khi cần thiết. “Năm 2016, khi mực nước xuống thấp, cánh quạt của cả ba tổ máy bị nứt, việc sửa chữa mất nhiều thời gian và chi phí”, ông Cường giải thích cho việc cẩn trọng quan sát.

Với hai tổ máy dừng hoạt động, hàng ngày tổ trực vẫn phải kiểm tra để đảm bảo máy móc sẵn sàng hoạt động trở lại khi nước về. Thông thường vào tháng 6 hàng năm thủy điện Thác Bà sản xuất được khoảng 20 triệu kWh, nhưng 10 ngày đầu tháng 6 năm nay chỉ được 2 triệu kWh. Nếu nước không về hồ, kế hoạch sản xuất của nhà máy không thể hoàn thành.





Thuỷ điện Lai Châu ngừng hoạt động ngày 9/6. Ảnh: Ngọc Thành

Thủy điện Lai Châu ngừng hoạt động ngày 9/6. Ảnh: Ngọc Thành

Tình cảnh của thủy điện Lai Châu, công suất 1.200 MW, còn nghiêm trọng hơn. Từ ngày 2/6, hồ xuống dưới mực nước chết buộc phải đóng 6 tổ máy. Thủy điện Lai Châu nằm ở đầu nguồn sông Đà, phía dưới còn hai thủy điện bậc thang Sơn La (công suất 2.400 MW) và Hòa Bình (1.920 MW). Nước sông không thể chảy xuống khiến thủy điện Sơn La phải dừng hoạt động. Thủy điện Hòa Bình chỉ hoạt động được khoảng một tuần nữa.

Ông Lưu Khánh Toàn, Phó giám đốc Thủy điện Sơn La (phụ trách thủy điện Lai Châu) cho biết cả hai hồ Lai Châu và Sơn La lần đầu tiên dưới mực nước chết. Trước khi dừng hoạt động, các tổ máy chỉ đạt 50-60% công suất, công ty phải tăng 3-6 người ở mỗi ca trực để theo dõi toàn bộ hệ thống, tránh phát sinh sự cố.

Cách Thác Bà, Lai Châu hơn 500 km, thủy điện Bản Vẽ với công suất 320 MW – lớn nhất trong 22 thủy điện của Nghệ An cũng đang trong tình trạng thiếu nước. Ngày 11/6, mực nước ở Bản Vẽ là 156 m, thấp hơn 20 m so với cùng kỳ và chỉ cao hơn mực nước chết một mét. Lưu lượng nước đổ về hồ hiện tại chỉ bằng 1/3 so với thời điểm này năm trước.

Theo ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ, năm nay nắng nóng và khô hạn đến sớm, từ cuối tháng 5. Nước hồ xuống rất nhanh, trong khi lượng nước đổ về ít, chỉ 25 m3/s. Hiện mới đầu tháng 6, mực nước xuống 156 m là lần đầu tiên xuất hiện. Với mức này, nếu Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia không huy động phát điện tối đa thì có thể cầm cự thêm khoảng chục ngày, còn nếu huy động thì chỉ hai ngày nữa hồ về mực nước chết.

Nhiều ngày qua, hơn 40 cán bộ, nhân viên của Nhà máy thủy điện Bản Vẽ như “ngồi trên đống lửa” trong bối cảnh nhiều vùng thiếu điện. Bộ phận kỹ thuật phân chia nhau túc trực 24 tiếng mỗi ngày để điều hành. Sắp tới, nếu hồ chứa về mực nước chết thì phải tính đến phương án tăng người trực để phòng sự cố.

Khi hồ về mực nước chết thì nhà máy chỉ được phát điện với lưu lượng xả bằng lưu lượng về, trường hợp đặc biệt phải đáp ứng an ninh năng lượng mới tiếp tục khai thác, nhằm tránh nguy cơ mất điện diện rộng cả vùng. “Trong trường hợp này, máy móc sẽ phải chạy ngoài phạm vi kỹ thuật của nhà máy, nguy cơ hỏng hóc rất cao”, ông Hùng nói.





Mực nước thuỷ điện Bản Vẽ ngày 7/6. Ảnh: Đức Hùng

Mực nước thủy điện Bản Vẽ ngày 7/6. Ảnh: Đức Hùng

Nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, thủy điện Sông Tranh 2 với công suất 190 MW chưa rơi vào tình trạng khô kiệt. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài, lượng nước trong hồ chỉ còn 260 triệu m3, bằng 49% dung tích thiết kế. Mỗi ngày Sông Tranh 2 xả về hạ du khoảng 70-80 m3/s, cao gấp 3 lần so với lưu lượng nước về hồ để ưu tiên chống hạn, ông Trần Nam Trung, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, cho biết.

Dự báo từ tháng 6 đến 8, hồ Sông Tranh 2 sẽ gặp khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho vùng hạ du và có nguy cơ không tích được thêm lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm nay để phục vụ mùa cạn năm 2024. “Công ty đang phối hợp với tỉnh Quảng Nam để điều tiết tối ưu nguồn nước, làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành các tổ máy vào giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Trung nói thêm.





Thuỷ điện Sông Tranh 2 đầu tháng 6. Ảnh: Đắc Thành

Thủy điện Sông Tranh 2 đầu tháng 6. Ảnh: Đắc Thành

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), 9 hồ thủy điện đã dưới mực nước chết. Các tổ máy tại 11 nhà máy như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong phải dừng phát. Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết, đảm bảo dòng chảy tối thiểu. Vì thế miền Bắc hiện thiếu hụt khoảng 5.000 MW, buộc phải cắt điện luân phiên, cắt không báo trước từ cuối tháng 5 đến nay.

Trong khi đó theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, miền Bắc mưa nhiều ngày tới nhưng mực nước trên các sông và hồ thủy điện tiếp tục thấp so với trung bình nhiều năm. Dự báo xa hai tháng tới, do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng tiếp tục xuất hiện nhiều ngày hơn trung bình nhiều năm tại miền Bắc và Trung. Lượng mưa tại miền Bắc có xu hướng thiếu hụt 5-20%.

Nhóm phóng viên



Leave a Comment

0.0/5