Ngày giữa tháng 7, khu vực trồng sen trên hồ sông Đầm ở xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ chỉ lác đác vài cây còi cọc. Lục bình, cỏ lác bao phủ xen lẫn với cây sen chết khô. Đứng nhìn hồ nước, ông Lê Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã trồng sen sông Đầm, xót ruột nói “bao công sức, tiền của đã đổ sông đổ biển”.
Theo ông Ba, thấy mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế, đầu năm 2024, 7 nông dân chuyên trồng sen trên hồ sông Đầm góp vốn thành lập hợp tác xã. Sau Tết Nguyên đán, họ dọn lục bình, dựng hàng rào ngăn rác, cỏ cây trôi vào nhằm tạo không gian cho sen phát triển.
Giữa tháng giêng, hợp tác xã ra thị xã Điện Bàn mua sen hồng giá 30.000 đồng một cây về trồng. “Hợp tác đầu tư 150 triệu đồng mua giống trồng 11 ha. Cây sinh trưởng tốt, có khả năng thu hoạch sớm”, ông Ba kể. Tuy nhiên, giữa tháng 4, khi sắp thu hoạch hạt thì sen chết hàng loạt. Ban đầu cây thối gốc, sau chết khô.
Nông dân phun nhiều loại thuốc nhưng bất thành. Hợp tác xã mua thêm giống về trồng nhằm vớt vát, vì vụ sen kéo dài đến tháng 8 nhưng cũng bị chết. Ngoài trồng sen thu hoạch hạt, hợp tác xã còn phát triển du lịch cộng đồng. “Chúng tôi bỏ ra 30 triệu đồng mua tre về dựng lều, dựng cầu trên sông nhằm phục vụ du khách tham quan khi sen nở rộ, nhưng bị thất thu”, ông Ba nói.
Lý giải nguyên nhân sen chết, ông Ba nói các năm trước vào mùa khô hạn, thành phố đắp đập ngăn mặn từ sông Bàn Thạch chảy vào hồ sông Đầm. Tuy nhiên, năm nay thành phố không đắp đập nên nước mặn tràn vào hồ kết hợp với nắng nóng khiến sen chết.
Cùng cảnh ngộ, ông Bùi Viết Việt, 58 tuổi, ở xã Tam Thăng bỏ gần 30 triệu mua giống trồng một ha sen hồng trên hồ sông Đầm. “Các năm trước với diện tích một ha, trừ chi phí tôi thu về 70 triệu đồng, nhưng năm nay bị chết sạch không thu hoạch được cân hạt nào”, ông nói.
Trồng sen trên hồ sông Đầm hơn 30 năm, đây là vụ đầu tiên ông Việt mất trắng, không thể tái tạo. Sen chết còn khiến ông thất thu từ du lịch. Mọi năm vào vụ sen nở, ông làm dịch vụ chèo ghe thu 200.000-300.000 đồng chuyến, chở 4-10 người nhưng năm rất ít khách.
Chính quyền xã Tam Thăng cho biết vụ sen năm nay hơn 10 hộ dân trồng khoảng 15 ha sen ở hồ sông Đầm, nhưng không thể thu hoạch.
Cũng trên hồ sông Đầm, người dân phường An Phú, TP Tam Kỳ trồng khoảng 14 ha sen hồng và xanh. Ông Nguyễn Cao Trí, Phó chủ tịch phường, cho biết nắng nóng và nước mặn xâm nhập khiến sen hồng chết gần hết. Riêng giống sen xanh vẫn sống nhưng năng suất thấp so với các năm trước.
Phường đang thống kê thiệt hại, báo cáo UBND thành phố và Phòng Kinh tế, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp đến hỗ trợ kỹ thuật để người dân chăm sóc, thu hoạch được phần nào hay phần đó.
Nông dân cũng như chính quyền xã Tam Thăng và phường An Phú mong chính quyền hỗ trợ để sang năm có vốn tái đầu tư. Vào mùa khô hạn, chính quyền đắp đập để hồ sông Đầm không bị mặn xâm nhập. Vì trồng sen trên hồ sông Đầm không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn tạo cảnh quan, phát triển du lịch cộng đồng theo chủ trương của thành phố.
Hồ sông Đầm rộng 200 ha, mực nước sâu trung bình 1,6 m. Lưu vực xung quanh rộng khoảng 650 ha thuộc xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú. Hồ thông với sông Bàn Thạch, là hồ điều hòa lớn nhất thành phố, mùa lũ chứa nước, mùa khô hạn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Hàng chục năm qua người dân địa phương trồng sen ven bờ hồ lấy hạt.
Theo quy hoạch TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, hồ sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị sinh thái và phát triển du lịch. Chính quyền Tam Kỳ đề xuất thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học hệ sinh thái hồ sông Đầm.