Đại diện ban soạn thảo, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan trả lời VnExpress các vấn đề xung quanh sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được lấy ý kiến cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động. Theo lộ trình, việc góp ý hoàn thiện dự luật kết thúc vào ngày 1/5, trình Chính phủ tháng 6. Dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 để thảo luận và cho ý kiến, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.
– Vì sao phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, thưa ông?
– Qua 7 năm thực hiện, Luật BHXH 2014 đạt nhiều kết quả nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế như diện bao phủ còn thấp so với tiềm năng. Đến nay, số người tham gia BHXH mới đạt trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, việc nâng tỷ lệ lên 60% vào năm 2030 là thách thức không nhỏ. Tình trạng trốn đóng BHXH còn phổ biến, bình quân trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng quyền lợi người lao động.
Việc sửa đổi Luật BHXH lần này cũng là dịp thể chế hoá các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm của Nghị quyết 28 của Trung ương nhằm xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, mở rộng diện bao phủ, hướng tới mọi người khi hết tuổi lao động đều được nhận lương hưu hàng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội…
– Vấn đề nào được ban soạn thảo tập trung trong lần sửa đổi này?
– Lần sửa đổi này tập trung vào các nhóm chính sách lớn, gồm: xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ người tham gia và thụ hưởng BHXH gồm lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Mục tiêu hàng đầu của lần sửa luật này là tăng quyền lợi cho người tham gia. Cụ thể, bổ sung quyền hưởng các chế độ ốm đau, thai sản với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Theo quy định hiện hành, nhóm này mới chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội hưởng trợ cấp thai sản mà không phải đóng thêm tiền, nguồn kinh phí chi trả trợ cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Dự thảo cũng nghiên cứu điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75, đồng thời tích hợp trợ cấp hưu trí xã hội trở thành một tầng trong hệ thống BHXH đa tầng. Người dân khi hết tuổi lao động mà có thời gian đóng quỹ BHXH sẽ được lựa chọn hưởng trợ cấp hưu trí sớm hơn độ tuổi 75 tuỳ thuộc thời gian tham gia người lao động tích luỹ được…
– Hai vấn đề nhận được nhiều bàn luận trái chiều là giảm thời gian đóng để được hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
– Tổng kết hơn 7 năm thi hành Luật BHXH 2014, hơn 60.000 người đã hết tuổi lao động nhưng phải nhận trợ cấp một lần do chưa có đủ 20 năm đóng BHXH vì họ tham gia muộn. Vì vậy, việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu khi đủ tuổi từ 20 xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu. Việc này không chỉ giúp họ được nhận lương hưu hàng tháng mà còn được chăm sóc sức khoẻ thông qua hỗ trợ bảo hiểm y tế.
Có ý kiến lo ngại giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu lương hưu sẽ thấp. Tuy nhiên chúng ta phải đặt trong bối cảnh khi hết tuổi, không còn khả năng lao động, việc có mức lương hưu đều đặn hàng tháng cùng với bảo hiểm y tế còn hơn không có gì. Bên cạnh đó, định kỳ lương hưu được điều chỉnh tăng dựa theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống người tham gia.
Về vấn đề người lao động nhận BHXH một lần, Nghị quyết 28 yêu cầu “có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu nhận trợ cấp một lần”. Những thay đổi trong chính sách nhận BHXH một lần của dự thảo là thể chế hóa tinh thần này.
Dự thảo bổ sung nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động lựa chọn bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu như: Điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn khi giảm năm đóng tối thiểu từ 20 xuống 15 năm; người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng và bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.
– Góp ý cho dự thảo, mới đây đại diện một số đơn vị công đoàn kiến nghị hoán đổi năm đóng bảo hiểm thừa để người lao động được hưởng lương hưu 75%. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
– Bất kỳ quốc gia nào khi làm chính sách BHXH, đặc biệt liên quan hưu trí đều phải tuân thủ nguyên lý người lao động muốn nhận lương hưu phải thoả mãn hai điều kiện: đủ tuổi quy định và đủ thời gian tham gia BHXH cần thiết. Đây là những điều kiện cần và đủ, không thể thay thế, hoán đổi cho nhau được. Theo thông lệ quốc tế, muốn đảm bảo cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn, thời gian đóng góp của người lao động vào quỹ phải gấp đôi thời gian hưởng.
Luật BHXH hiện hành của Việt Nam kế thừa từ những quy định trước đây, người nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động đều bị trừ phần trăm (%) tỷ lệ hưởng lương hưu so với nghỉ đúng tuổi. Còn khi đã đóng thừa để hưởng mức tối đa, thời gian còn lại sẽ được nhận trợ cấp một lần. Quy định này để đảm bảo công bằng giữa những người nghỉ hưu đúng tuổi có tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí dài và người nghỉ hưu trước tuổi với thời gian đóng ngắn.
Đề xuất hoán đổi năm đóng để hưởng lương hưu tối đa của một số đơn vị công đoàn cần được đánh giá một cách kỹ lưỡng, toàn diện trong mối tương quan giữa người nghỉ hưu đúng tuổi với người nghỉ hưu trước tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ hưởng lương hưu hiện nay của Việt Nam được đánh giá khá cao so với tỷ lệ đóng góp, cụ thể tỷ lệ đóng 22%, tỷ lệ hưởng lương tối đa là 75%.
– Với lao động trực tiếp sản xuất ngoài 40 tuổi đã bị các nhà máy “chê”, khó tìm việc nên họ muốn được hưởng lương hưu sớm. Vấn đề này được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhìn nhận thế nào?
– Quá trình xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận và đánh giá kỹ lưỡng. Trong đó đã tính đến các yếu tố về tính chất, điều kiện làm việc và sức khỏe của người lao động. Bên cạnh các trường hợp nghỉ hưu trong điều kiện bình thường, những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc sức khỏe yếu, bị suy giảm khả năng lao động đều có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5-10 tuổi.
Để giải quyết vấn đề người lao động ngoài 40 tuổi bị cho nghỉ, khó tìm được việc thì không thể xử lý được trong Luật BHXH. Vấn đề này còn liên quan đến tạo việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm; đào tạo, học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động… Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổng kết thi hành để đề xuất sửa đổi Luật Việc làm. Chắc chắn các vấn đề liên quan chính sách hỗ trợ, tạo việc làm sẽ được nghiên cứu, xem xét đánh giá một cách tổng thể, toàn diện.
– Nhiều ý kiến cho rằng việc lao động bị “treo” quyền lợi khi doanh nghiệp nợ BHXH khiến người lao động giảm niềm tin vào chính sách, tìm cách từ chối tham gia vào hệ thống. Dự luật đề xuất giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi người lao động?
Sau khi lấy ý kiến, dự luật đã bổ sung nhiều quy định, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt vi phạm thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi như ngừng sử dụng hoá đơn, cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp. Ban soạn thảo đã bổ sung quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường nếu không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ, kịp thời gây thiệt hại cho người lao động.
– Đồng thời, dự thảo luật đã quy định các nội dung nhằm đẩy mạnh công nghệ vào quản lý BHXH như sổ bảo hiểm điện tử; đơn giản hóa thủ tục, thông tin kịp thời quá trình đóng, hưởng cho người lao động. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH mà còn giúp họ kịp thời phát hiện tình trạng doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm để kiến nghị, phản ảnh kịp thời đến cơ quan chức năng.
Lê Tuyết