Theo Nghị định của Chính phủ ngày 21/7, mức chuẩn trợ cấp người có công 2,055 triệu đồng một tháng được dùng làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác với người có công với cách mạng và thân nhân họ.
Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng với người có công với cách mạng cũng được điều chỉnh.
Cụ thể, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, diện thoát ly, được trợ cấp 2,3 triệu đồng một tháng và phụ cấp 390.000 đồng với mỗi thâm niên. Người hoạt động trước 1945 diện không thoát ly được hưởng 3,9 triệu đồng một tháng. Với người đã qua đời, thân nhân họ được trợ cấp tối đa 2 triệu đồng một tháng.
Người hoạt động từ năm 1945 đến cách mạng tháng Tám được 2,1 triệu đồng một tháng. Thân nhân được trợ cấp tối đa 1,6 triệu đồng một tháng.
Thân nhân một liệt sĩ được trợ cấp 2 triệu đồng; hai liệt sĩ 4,1 triệu đồng; ba liệt sĩ 6,1 triệu đồng một tháng.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng được trợ cấp 6,1 triệu đồng và phụ cấp 1,7 triệu đồng một tháng.
Bệnh binh được trợ cấp tối đa 5,3 triệu đồng một tháng. Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được tối đa 4,6 triệu đồng một tháng.
Mức trợ cấp thấp nhất của thương binh là 2,7 triệu đồng, cao nhất 6,5 triệu đồng một tháng.
Nghị định có hiệu lực từ 5/9. Các mức trợ cấp, phụ cấp được thực hiện từ 1/7.
Đề xuất tăng chuẩn trợ cấp người có công được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất từ tháng 4, nhằm đảm bảo không thấp hơn chuẩn nghèo thành thị giai đoạn 2022-2025, tức 2 triệu đồng.
Bộ đề xuất hai phương án tăng chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng lên 2,055 triệu đồng một tháng (tăng 431.000 đồng) hoặc 2,111 triệu đồng (tăng 487.000 đồng). Chính phủ lựa chọn phương án thứ nhất, tăng thêm 431.000 đồng một tháng.
Năm 2022, cả nước có gần 1,2 triệu người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng; 600.000 người hưởng chế độ điều dưỡng. Song một số trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng cơ sở vật chất xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng người có công.