Bốn ngày qua, Kiên, 18 tuổi, trú xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa liên tục chèo thuyền nhựa rộng một mét, dài ba mét di chuyển xung quanh thôn 9 – nơi đang ngập 1,5-3 m, để nhận hàng cứu trợ từ các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện và chính quyền, sau đó chuyển đến cho những gia đình bị cô lập.
Nằm dọc hai bên sông Hồng, huyện Hạ Hòa ngập từ ngày 9/9 do mưa lớn, lũ thượng nguồn đổ về. Hiện trời hửng nắng, một số nơi lũ rút, song xã Hiền Lương vẫn bị cô lập do là rốn lũ. Nước thoát chậm, từ sáng đến tối chỉ rút khoảng 15 cm. Các gia đình trong xã đều đi tránh trú tại nhà người thân ở khu vực cao, chỉ còn một số người già sức yếu, khó đi lại nên bám trụ ở tầng hai hoặc trên gác.
Nhiều đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh chở hàng cứu trợ về Hiền Lương, tập kết tại đoạn đường lớn dẫn vào xã, sau đó cùng chính quyền chia theo từng nhóm nhỏ, lái thuyền và canô chuyển hàng vào tiếp tế cho bà con. Tuy nhiên, canô lớn không thể đi sâu vào ngõ ngách, nhiều đoàn phải gọi điện cho cán bộ thôn ra nhận hàng đưa đi phân phát. Nhà sẵn thuyền, Kiên tình nguyện làm người vận chuyển hỗ trợ người dân và cơ quan chức năng.
“Hai ngày đầu tiên người dân có thể cầm cự, nhưng sang ngày thứ ba thì các nhu yếu phẩm cạn dần, đặc biệt là nước sạch, cần làm mọi cách để chuyển đến cho họ”, Kiên nói. Mỗi chuyến hàng, ngoài đồ ăn nhanh như bánh mì, mì tôm, xôi, khoang thuyền của Kiên luôn đặt 2-3 bình nước loại 20 lít cùng nhiều chai 1-2 lít.
Nhưng chở nước không đơn giản. Thuyền nhỏ, đặt nhiều bình lên khoang sẽ nặng khiến mép nước chỉ cách mạn thuyền 3-5 cm, chực chờ chảy vào trong. Hôm qua, trong lúc di chuyển, bình nước loại 20 lít bị nghiêng khiến thuyền tròng trành, suýt lật giữa dòng lũ. Kiên vội đẩy bình nước trở lại giữa thuyền, liên tục đảo tay chèo sang hai bên.
Vận chuyển hàng chục chuyến hàng mỗi ngày, Kiên luôn đối mặt với những tình huống nguy hiểm như vậy. Nhưng anh không lo lắng, luôn bảo: “Em biết bơi, hiểu địa hình nên lỡ rơi xuống nước thì cũng xử lý được”. Điều Kiên lo nhất là nếu gặp sự cố, hàng trôi sẽ rất áy náy với đoàn thiện nguyện, bởi họ vượt hàng trăm km đưa đồ đến cứu trợ mà công đoạn cuối cùng mình làm không xong.
“Rất may điều đó chưa xảy ra”, Kiên cười hiền nói. 12/9 là ngày thứ tư lũ bủa vây xã Hiền Lương. Nhà ngập hơn hai mét, bố mẹ đang đi tránh trú, vào buổi tối Kiên luôn ghé về nhà, chuyển một số tài sản như tivi, quạt điện lên điểm cao hơn đề phòng nước dâng. Xong việc, anh chèo thuyền đi xung quanh, hỏi xem hàng xóm cần hỗ trợ gì, lưu danh sách sau đó mới về ngủ.
Trên dòng lũ đoạn qua xóm 9 xã Hiền Lương, chiều qua ngoài thuyền của Kiên, hàng chục chiếc khác cũng ra vào như con thoi để chuyển đồ tiếp tế. Đến nhận hàng cứu trợ từ một canô, anh Lê Thanh Nghị, 46 tuổi, gom hàng liên tục. Thấy chiếc thuyền nhôm không còn chỗ đặt hàng, cán bộ huyện nhắc “khoang đầy rồi kìa, lỡ lật thì sao”, anh mới dừng. Anh Nghị giải thích mỗi lần chở hàng là một lần khó, vì thế phải lấy được nhiều nhất có thể để đưa đi phân phát.
Một ngày anh Nghị chở 15 chuyến. 5 hôm nay, mải lo công việc nên anh chưa hề gặp vợ con, dù họ đang tránh trú ở nhà văn hóa thôn gần đó. Đôi khi thuyền lướt qua, các con trông thấy bố từ xa vẫy tay, anh định đến gặp. Đúng lúc này chiếc canô của đoàn thiện nguyện đến, anh phải quay thuyền đi nhận hàng. Các con hiểu chuyện nên nói lớn: “Bố cố gắng nhé”.
Người đàn ông 52 tuổi chia sẻ không nghĩ thuyền nhôm hàng ngày chở ngư cụ lại hữu ích đến thế. Vợ từng khuyên mua thuyền to hơn để đi làm nhưng anh gạt đi bảo phương tiện hiện tại cũng đủ dùng. “Đầu tư tiền mua thuyền tốn kém lắm nên tôi mới bảo vậy. Nhưng hiện tại thì thấy rất tiếc, nếu liều sắm thuyền mới thì nay đã chở được nhiều hàng cứu trợ hơn”, anh Nghị nói.
Vì chở quá tải trọng nên thuyền luôn chao đảo mỗi khi có đợt sóng lớn ập tới. Ba hôm trước trời mưa tầm tã, do khuất tầm nhìn, thuyền va vào bức tường rào của nhà dân, suýt lật, một vài nhu yếu phẩm rơi. Anh lập tức bám lấy chiếc cổng sắt chòi trên mặt nước khoảng nửa mét để neo lại nên thuyền không bị lật. Hàng xóm sau đó ra nhận hàng, hỗ trợ đưa đến các hộ gần đó.
“Đây chỉ là sự cố nhỏ. Giúp được mọi người thì dù vất vả, khó khăn đến mấy cũng chẳng sao”, anh Nghị nói.
Theo ông Lê Đình Xuân, 70 tuổi, trú thôn 9, xã Hiền Lương, nhờ những người vận chuyển nhiệt tình, am hiểu địa bàn như Kiên hay anh Nghị, hàng cứu trợ luôn được phân phát kịp thời. “Họ vào tận nhà hỏi tôi cần gì, sau đó đưa đúng thứ đó. Nhờ vậy mà đồ ăn hay thức uống không bị lãng phí. Nếu phát đại trà thì có người thừa, người thiếu, những đồ đạc để lâu không dùng sẽ hỏng”, ông nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hồng, Phó chủ tịch huyện Hạ Hòa, cho hay người dân trên địa bàn chất phác, tương trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Ngập lụt diện rộng, chính quyền không thể đi đến từng nhà, song nhiều người dân đã nhiệt tình, dùng thuyền chở hàng, nhờ vậy mà không ai thiếu đồ.
“Một tuần nữa nước mới rút hết. Những ngày tới các đoàn thiện nguyện tiếp tục về Hạ Hòa. Nhờ có sự đồng lòng của dân, chúng tôi rất an tâm”, ông Hồng nói.
VnExpress mở chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.