Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tình nguyện đỡ đẻ ở vùng cao

Chị Trử, 40 tuổi, nhà ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Lập gia đình năm 20 tuổi, có 3 người con, hàng ngày chị đi trồng lúa, ngô, khoai, sắn, gừng; hái bo bo, măng đắng, nhặt rêu đá… đem về bán kiếm thu nhập. Trử tưởng chừng gắn bó trọn đời với nương rẫy, cho đến giữa năm 2012, sau khi hỗ trợ thành công cho một sản phụ sinh con tại rừng, chị có thêm việc mới – đỡ đẻ.

Nậm Cắn là xã biên giới, một trong những vùng khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn, dân số chủ yếu là người Khơ Mú, Mông và Thái. Phụ nữ tại đây mang bầu thường sinh con tại nhà do quan niệm xưa, ngoài ra vì nghèo, đường xa nên họ ngại đến cơ sở y tế. Trường hợp vượt cạn tại rẫy như chị Trử từng chứng kiến không hiếm, bởi đa số sản phụ không nắm bắt được sự phát triển của thai kỳ.

“Tôi đã trải qua 3 lần sinh nở, nhưng thấy hàng xóm nằm quằn quại giữa rừng vẫn hốt hoảng”, chị Trử nhớ tình huống tham gia đỡ đẻ 12 năm trước. Sau 30 phút, bốn phụ nữ ở bản Trường Sơn đã giúp sản phụ này sinh hạ thành công một bé trai nặng hơn 3 kg. Chị Trử được giao nhiệm vụ vào nhà dân cạnh bìa rừng mượn bình nước sôi, xin băng gạc, lấy chăn và áo ấm ra ủ cho trẻ đỡ lạnh.

Chị Xồng Y Trử bên bộ đồ nghề của cô đỡ thôn bản. Ảnh: Hùng Lê

Chị Xồng Y Trử bên bộ đồ nghề của “cô đỡ thôn bản”. Ảnh: Hùng Lê

Lần tham gia đỡ đẻ trên đã thay đổi suy nghĩ của chị Trử. Phụ nữ vùng cao thiệt thòi vì ít tiếp xúc với các chương trình y tế, lúc mang bầu chẳng ai đi thăm khám. Là người được học phổ thông, cũng hiểu biết hơn, chị Trử tự nhủ phải tìm cách gì đó giúp đỡ bản làng. Vì thế, năm 2013 khi có khóa học “cô đỡ thôn bản” tổ chức tại Đại học Y khoa Vinh, chị xin chồng đăng ký tham gia.

Trong 6 tháng, chị Trử được dạy kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng, tham gia thực hành tại các bệnh viện, tư vấn kế hoạch hóa gia đình… theo chương trình đào tạo của Bộ Y tế. “Tốt nghiệp” trở về quê, chị được Trung tâm y tế dự phòng huyện Kỳ Sơn cấp túi dụng cụ quai đeo cùng gói đỡ đẻ sạch; kẹp sát khuẩn, kéo thẳng đầu tù; bộ khám thai; nhiệt kế; gạc y tế… để hành nghề.

Ba tuần sau khi trở về từ quá học, chị Trử được một gia đình ở bản Pà Ca nhờ đến đỡ đẻ cho con dâu. Hồi hộp xen lẫn lo lắng, chị phải gọi điện cho thầy giáo hỏi thêm kinh nghiệm. Đến nơi, thấy sản phụ chuyển dạ, chị Trử tất tưởi chạy vào trong phòng mở túi dụng cụ y tế, ngồi bên cạnh làm biện pháp tâm lý, trực tiếp đỡ đẻ. Sau gần một tiếng, bé gái chào đời, chị bế lại bên mẹ rồi thở phào.

“Khách hàng” của chị Trử tăng theo từng năm, đến nay hàng trăm người ở xã Nậm Cắn đã được chị đỡ đẻ, mỗi năm 20-25 trường hợp. Theo chị Trử, một ca sinh mất 40-60 phút. Với những ca dây rốn quấn cổ thai nhi phải mất hai tiếng mới xong. Trường hợp này chị phải nhờ thêm bác sĩ y tá trong huyện đến hỗ trợ, đề phòng sự cố phát sinh, nếu quá phức tạp sẽ chuyển lên bệnh viện mổ bắt con.

Người Mông, Khơ Mú và Thái ở xã Nậm Cắn thường làm nhà sinh sống lưng chừng đỉnh núi, khi sinh đẻ đi lại đương sá cách trở, rất khó khăn. Ảnh: Đức Hùng

Người Mông, Khơ Mú và Thái ở xã Nậm Cắn thường làm nhà sinh sống lưng chừng đỉnh núi, khi sinh nở gặp khó khăn trong di chuyển do đường sá cách trở. Ảnh: Đức Hùng

Có hôm trời mưa tầm tã, giá rét, đang ăn cơm thì có một gia đình ở bản Huồi Pốc gọi điện nhờ đỡ đẻ. Bản này từ trung tâm xã đi vào phải mất 2 tiếng. Chồng bảo đêm hôm nguy hiểm, không cho đi. “Mình có kinh nghiệm phải giúp, lỡ họ xui xẻo họ gặp chuyện gì thì hối hận lắm”, chị nhớ lại câu trả lời chồng. Anh không nỡ để chị đi một mình, lấy xe máy chở vợ vào bản. Nửa đêm mới trở về nhà, do áo mưa bị rách nên cả hai ướt sũng, bùn bắn tứ tung bẩn hết quần áo.

Đến nay những phụ nữ mà chị Trử đỡ đẻ đều mẹ tròn con vuông, chưa ai phải chuyển lên tuyến trên. Nhiều người nói đùa “làm vậy tiền bỏ đâu cho hết”, nhưng thực tế ngược lại. Thu nhập của chị Trử chủ yếu dựa vào làm rẫy, còn những lần giúp vượt cạn thì hầu như chỉ nhận được lời cảm ơn, bởi đa số gia đình đều nghèo, có người khi đẻ xong còn thiếu tiền mua sữa cho con. Một số hộ kinh tế khá hơn thì có bồi dưỡng thêm cho chị 50.000-100.000 đồng, nhưng rất hiếm.

Hồi mới vào nghề, những “cô đỡ thôn bản” như chị Trử được hỗ trợ mỗi tháng 200.000 đồng, năm 2019 chương trình bị dừng do một số thay đổi trong chi trả phụ cấp. Người phụ nữ 40 tuổi chia sẻ khoản đó giúp thêm xăng xe, khi không còn cũng khá hụt hẫng. Nhiều năm qua chị bỏ tiền túi ra đổ xăng để đi làm.

Ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, bà Lương Thị May, 63 tuổi, là “cô đỡ thôn bản” có kinh nghiệm nhất vùng. Từng theo học khóa hộ sinh 2 năm tại trường trung cấp y tế, bà May có thời gian ngắn làm ở trạm y tế xã thuộc huyện Kỳ Sơn. Năm 1986, khi lập gia đình bà xin nghỉ việc, chuyển về xã Lượng Minh làm cộng tác viên dân số cho bản Lạ, ngoài ra kiêm thêm nghề đỡ đẻ.

Bà May kể về hành trình hơn 30 năm tình nguyện đi đỡ đẻ. Ảnh: Đức Hùng

Bà May kể về hành trình hơn 30 năm tình nguyện đi đỡ đẻ. Ảnh: Đức Hùng

“Có trường hợp tôi tưởng chừng như lắc đầu” bà May kể. Lúc đó là năm 1995, bà May đỡ đẻ cho một phụ nữ ở bản Chẳm Puông. Trường hợp này đẻ non, ngôi thai ngược, khi bà đến nơi chân của trẻ đã ra trước. Người chồng lo lắng, cứ đi lại xung quanh nhà, nói “cố gắng cứu một trong hai người”. Sau hơn hai tiếng, bà May đỡ đẻ thành công ca khó, cả hai mẹ con đều an toàn. Hiện bé trai đã trưởng thành, xem bà May như người thân, những khi đi làm ăn xa về luôn đến chơi.

Ngoài đỡ đẻ, bà May còn lập danh sách phụ nữ có thai rồi ghi sổ. Hàng tháng bà đến từng nhà kiểm tra, tư vấn kiến thức sinh sản, vận động sản phụ tới bệnh viện hoặc trạm y tế xã thăm khám. Phụ nữ vùng cao thỉnh thoảng hút thuốc, uống rượu, bà khuyên hạn chế việc này lại để sinh con an toàn, khỏe mạnh.

Đến nay bà May không nhớ đã giúp bao nhiêu bà mẹ vượt cạn thành công, vì quá nhiều. Một tháng bà đi đỡ đẻ 4 lần, những năm gần đây thì ít hơn, trung bình khoảng 7-10 trường hợp, vì người dân đã nhận thức tốt hơn, đến trạm y tế hoặc bệnh viện cho an toàn. Bà May tâm sự làm việc này xuất phát từ tâm, chứ không hề nghĩ tới tiền công. Nhiều gia đình khó khăn, xong việc thì họ tặng cho cô đỡ con gà hoặc bao gạo dùng để “làm vía”, bảo “chỉ có chừng này thôi”. Nhận quà, bà May cười hiền, dặn “giữ gìn sức khỏe, chăm sóc con cho tốt là tôi vui rồi”.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn và Tương Dương đánh giá các “cô đỡ thôn bản” gần dân, đóng vai trò rất quan trọng trong việc đỡ đẻ, tuyên truyền, vận động kế hoạch hóa gia đình ở những bản vùng sâu. “Cô đỡ còn là thông dịch viên. Nhiều trạm y tế nhân viên không biết tiếng Mông, Khơ Mú, Thái thì phải nhờ họ phiên dịch, hướng dẫn thai phụ làm các thao tác hít sâu, rặn đẻ”, ông Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, nói.

Cô đỡ thôn bản ở vùng cao Nghệ An đang tư vấn sức khỏe cho một sản phụ. Ảnh: Hùng Lê

Cô đỡ thôn bản ở vùng cao Nghệ An đang tư vấn sức khỏe cho một sản phụ. Ảnh: Hùng Lê

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, cho biết do không có trợ cấp nên hiện nay số “cô đỡ thôn bản” trên địa bàn chỉ còn 15, giảm nhiều so với trước đây. Hàng năm cơ quan chuyên môn luôn mở lớp đào tạo, tập huấn kiến thức. Với khoản trợ cấp để họ gắn bó với nghề, ngành y tế rất trăn trở, nhưng chưa cân đối được nguồn.

Theo quyết định 75/2009 của Chính phủ, “cô đỡ thôn bản” được hưởng phụ cấp 0,3-0,5 mức lương cơ sở tùy theo địa bàn. Năm 2019, Nghị định 34 quy định người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố (ngoài bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố) thì không được hưởng phụ cấp hàng tháng, mà được nhận bồi dưỡng trực tiếp khi tham gia vào công việc chung. Quy định mới nêu người đỡ đẻ không có phụ cấp từ Quyết định 75/2009 sẽ được hỗ trợ từ kinh phí địa phương, tuy nhiên đa số tỉnh chưa thực hiện chi trả.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 cả nước có hơn 1.500 “cô đỡ thôn bản” ngừng việc; 600 người hoạt động không có phụ cấp; 911 người được hưởng hỗ trợ, trong đó 732 người kiêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản.


Đức Hùng

Leave a Comment

0.0/5