Ngày 5/6 là lần đầu tiên trong mùa hè năm nay các tổ dân phố số 3, 4, 5, 6 phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị mất điện. “Vẫn nghĩ mất điện do sự cố chỉ sau vài chục phút là khắc phục, nhưng chúng tôi chờ từ 10h đến 19h30 mới có. Hai hôm sau, các tổ này lại mất điện từ 10h đến 16h và đều không được thông báo trước”, chị Hồng Khánh, nhà ở tổ dân phố số 5, cho biết.
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 30 km, thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ từ cuối tháng 5 đến nay cách 1-2 ngày lại mất điện, khung 10h-22h, có hôm từ 8h đến đêm. “Do kinh doanh nhà nghỉ, hàng ngày tôi đều vào website của điện lực thành phố xem lịch cắt điện. Nhưng những hôm mất điện website của ngành không thông báo”, chị Kim Ánh ở thôn Nghĩa Hảo nói.
Mất điện đột ngột trưa 6/6 nên chị Đỗ Thị Vân đành đưa hai con vào hang đá núi Trầm cách nhà một km úp tạm mì tôm ăn, tá túc tránh nóng như hàng chục gia đình khác ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. “Cắt điện đúng giờ cơm trưa, lại không báo trước nên tôi không kịp xoay xở”, chị Vân nói.
Không chỉ phường Phú Diễn hay xã Phú Nghĩa, Phụng Châu, nhiều xã phường của các quận như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang cũng bị mất điện đột ngột, ít là 2 tiếng, nhiều 6-8 tiếng buổi sáng hoặc chiều tối.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và công ty thành viên không công bố phạm vi, nhóm khách hàng bị mất điện, nhưng khảo sát từ lịch tạm ngừng cấp điện (theo kế hoạch báo trước) cho thấy hầu hết địa phương miền Bắc bị ảnh hưởng.
Tại Hà Nội, từ ngày 2 đến 8/6, trừ 4 huyện không có lịch cắt điện là Thanh Trì, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sóc Sơn, còn lại 26 quận, huyện và thị xã đều nhận thông báo cắt. Các quận lõi như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng có xu hướng bị cắt ít (2 lần) và trên diện hẹp một khu phố hoặc đoạn đường. Những quận huyện còn lại bị cắt 3-5 lần với phạm vi rộng hơn, có khi cả xã.
Quận Hà Đông bị cắt điện rộng nhất, tần suất dày nhất thành phố. Một tuần qua ngày nào quận cũng có khu vực bị cắt điện, như hôm 5/6 tới 11 khu. Điện cắt vào hai khung giờ 8h-12h và 13h30-17h, không cắt ban đêm. Khách hàng gồm cả cá nhân và doanh nghiệp sản xuất.
Khảo sát thực tế cũng cho thấy số khu vực, tần suất mất điện đột xuất nhiều hơn so với số được thông báo. Tổng công ty Điện lực Hà Nội lý giải do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến (lượng điện tiêu thụ tháng 5 hơn 75,4 triệu kWh, tăng hơn 22,5% so với tháng 4), tiềm ẩn nguy cơ nên một số khu vực phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp, không thể báo trước. Với các khu vực cắt điện có thông báo trước do thực hiện kế hoạch nâng cấp sửa chữa lưới điện.
Tương tự Hà Nội, TP Hải Phòng cũng thông báo cắt điện luân phiên từ ngày 3 đến 11/6 ở tất cả 15 quận huyện. Thời gian cắt 2-3 tiếng buổi sáng hoặc chiều. Phần lớn việc này thực hiện theo lịch báo trước, nhưng ngày 4-5/6 phải cắt khẩn cấp. Điện lực Hải Phòng lý giải nhu cầu sử dụng trên địa bàn vào ngày hè khoảng 1.500-1.600 MW, nhưng hai ngày 4-5/6 Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phân bổ về bị thiếu hụt khoảng 500-600 MW.
Nếu các đô thị lớn thường cắt điện vào ban ngày thì nhiều tỉnh lại bị vào ban đêm, như Hà Tĩnh, Nghệ An. Cùng chịu sự quản lý của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, từ ngày 7/6 đến nay, một số huyện tại Hà Tĩnh bị cắt điện để giảm tải, từ 7h đến 13h30 và 19h cùng ngày. Một số xã mất điện từ 19h đến 2h hôm sau. Tại Nghệ An, 21 huyện, thị xã, thành phố bị cắt điện khung 5h30-20h và 9h-23h.
Miền Nam và Trung chưa mất điện diện rộng
Từ tháng 5, miền Nam chuyển sang mùa mưa, nhu cầu dùng điện giảm. Thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam, nơi quản lý điện của TP HCM và 21 tỉnh phía Nam, 5 tháng đầu năm, số lần mất điện bình quân của người dân khu vực này là 0,72 lần, giảm khoảng 19% so với cùng kỳ 2022. Thời gian mất điện bình quân của khách hàng là 78 phút, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lâm Xuân Tuấn, Phó tổng giám đốc Điện lực miền Nam, lý giải từ đầu năm đến nay kinh tế khó khăn, một số nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… thu hẹp sản xuất nên tổng điện thương phẩm toàn miền giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 5, cao điểm mùa khô đi qua, nguồn điện cấp cho sản xuất và sinh hoạt của người dân tiếp tục được duy trì ổn định.
Tại TP HCM, nếu tháng 5 sản lượng điện một ngày cao nhất 94,8 triệu kWh, công suất đỉnh 4.760 MW. Qua tháng 6, sản lượng ngày cao nhất xấp xỉ 90 triệu, công suất cực đại dưới 4.000 MW. Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Điện lực TP HCM, lý giải ngoài sản lượng tiêu thụ giảm thì công tác bảo trì sửa chữa lưới điện cho mùa mưa đã hoàn tất. Các tình huống cắt điện để sửa chữa cũng giảm, trừ trường hợp bất khả kháng sẽ thông báo với người dân.
Với miền Trung và Tây Nguyên, theo đánh giá của EVN, tình trạng thiếu điện chưa căng thẳng, dù sản lượng tiêu thụ tăng do cao điểm nắng nóng. Thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Trung, đơn vị cung cấp điện cho 13 tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên, đến tháng 5 sản lượng điện thương phẩm tăng 4% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Ngày nắng nóng nhất tháng 5, lượng điện tiêu thụ là 76,5 triệu kWh.
Các nhóm khách hàng sử dụng điện cho sinh hoạt, hành chính sự nghiệp, nông lâm nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên đều tăng, riêng nhóm ngành công nghiệp, ngành dùng nhiều điện nhất, lại giảm. Đây cũng là một phần lý do khiến mức tiêu thụ điện chưa bị đẩy lên quá cao và hơn 4,1 triệu khách hàng cá nhân, hơn 500.000 doanh nghiệp ở khu vực này chưa bị cắt điện luân phiên.
Giải thích nguyên nhân mất điện diện rộng ở miền Bắc, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết nhu cầu cung ứng điện cho khu vực này là 17.000 MW một ngày nhưng ở thời điểm nắng nóng lên tới 20.000 MW. Nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện, song cả hai đều giảm công suất hoặc gặp sự cố. Vì thế, ngành điện phải giảm 30% công suất tiêu dùng một ngày ở thời điểm nắng nóng, tương đương khoảng 6.000 MW. Còn thông thường sản lượng điện giảm trung bình 6-10% một ngày, tùy thuộc thời tiết.
Việc cắt điện thực hiện theo Thông tư 20/2020 của Bộ Công Thương, tức mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán phải thông báo trước cho bên mua, trừ 4 trường hợp sau. Đó là có sự cố trên lưới điện, sự cố trong hệ thống gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được; có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống; thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh hệ thống điện và có sự kiện bất khả kháng.
Mất điện thời gian qua chủ yếu rơi vào 4 tình huống trên nên không được báo trước. EVN dự báo do nguồn cung tiếp tục khó khăn, đặc biệt khi 11 nhà máy thủy điện ngừng phát, tình trạng mất điện sẽ còn rộng hơn, tần suất nhiều hơn.
“Miền Bắc nguy cơ thiếu điện hầu hết giờ trong ngày”, Cục trưởng Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho biết chiều 7/6, tại cuộc họp của Bộ Công Thương.
Nhóm phóng viên