Kế hoạch xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc ở TP HCM năm 2023 vừa được Sở Giao thông Vận tải đưa ra, nhằm có giải pháp giảm kẹt xe tại những địa điểm này. Trong năm nay, thành phố đặt mục tiêu xóa ít nhất một điểm tại khu vực cầu Kênh Xáng trên đường Trần Văn Giàu, huyện Bình Chánh.
Ngoài vị trí trên, TP HCM còn 23 “điểm đen” ùn tắc khác, trong đó nhiều nơi đã không chuyển biến suốt nhiều năm, như: đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh); Nguyễn Tất Thành (quận 4); Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức); Trường Chinh, giao lộ Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám (Tân Bình)… Ngoài ra, 6 điểm ùn tắc mới phát sinh như: ngã tư Hàng Xanh, nút giao Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); Nguyễn Thái Sơn – Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp); giao lộ Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện (Tân Bình).
Để giảm ùn tắc, thành phố sẽ tập trung thi công nhanh các công trình: hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), nút giao An Phú (TP Thủ Đức), đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà (Tân Bình). Các dự án sẽ được đẩy nhanh thủ tục để sớm xây dựng như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), cầu thép ngã tư Bốn Xã (Bình Tân).
Song song triển khai dự án lớn, các giải pháp phi công trình được tập trung như liên tục giám sát, điều tiết giao thông phù hợp; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường… Thành phố ứng dụng công nghệ trong quản lý để sớm giải quyết các tình huống mới phát sinh, khắc phục các bất cập về hạ tầng.
Hiện, kế hoạch xử lý ùn tắc cho từng điểm đã được ngành giao thông xây dựng. Những khu vực không chuyển biến như đường Nguyễn Tất Thành sẽ được nghiên cứu hạn chế một số loại xe, tổ chức giao thông một chiều trên cầu Tân Thuận. Tại “điểm đen” đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, các đơn vị sẽ nghiên cứu phương án cấm ôtô từ tuyến D5 chạy ra, không dừng, đỗ xe trên tuyến này.
Giao lộ Hoàng Hoa Thám – Cộng Hòa ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất sẽ được tính toán phân luồng giao thông tổng thể, nhất là khi dự án ga T3 sân bay, mở rộng đường Hoa Thám, tuyến nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà, hoàn thành. Điểm ùn tắc trên đường Trường Chinh sẽ được lắp dải phân cách di động để điều tiết, phân luồng.
TP HCM đang quản lý hơn 8,8 triệu phương tiện, trong đó hơn 930.000 ôtô và gần 8 triệu xe máy, tăng gần 4% so với năm 2022, chưa tính xe vãng lai. Đến cuối năm ngoái, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP HCM chỉ 13,3%, kém khoảng 10% so với quy chuẩn. Tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố hơn 4.700 km, mật độ 2,38 km trên một km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn.
Gia Minh