Cự ly tuyến 19 km, điểm đầu tại bến Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh, điểm cuối ở bến Miền Đông mới, TP Thủ Đức. Thời gian hoàn thành mỗi chuyến khoảng 50 phút. Ôtô dùng trên tuyến là loại 55 chỗ (đứng, ngồi), chạy từ 4h20 đến 21h30, với 114 chuyến mỗi ngày.
Lượt đi: Bến xe Miền Đông cũ – Đinh Bộ Lĩnh – Bạch Đằng – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Điện Biên Phủ – xa lộ Hà Nội – đường 13 – bến Miền Đông mới (khu vực đậu xe buýt). Lượt về: bến Miền Đông mới – đường 13 – Hoàng Hữu Nam – đường D400 – quay đầu trên đường song hành – xa lộ Hà Nội – Điện Biên Phủ – ngã tư Hàng Xanh – Xô Viết Nghệ Tĩnh – quốc Lộ 13 – Đinh Bộ Lĩnh – Bến Miền Đông cũ.
Đây là tuyến buýt không trợ giá do Công ty cổ phần xe khách Phương Trang khai thác. Giá vé 10.000 đồng nếu khách đi ít hơn hoặc bằng nửa lộ trình (9,5 km) và 20.000 đồng nếu đi dài hơn nửa chặng đường. Vé đối với học sinh, sinh viên là 5.000 đồng mỗi lượt.
Với tuyến buýt 67, hiện bến xe Miền Đông mới có tổng cộng 10 tuyến kết nối. Trước đó, thành phố đã mở 4 tuyến kết nối trực tiếp (55, 56, 76, 93) và 5 tuyến đi qua (150, 60-1, 60-2, 60-3 và 60-4). Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải thành phố dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm buýt điện kết nối giúp bến khai thác hiệu quả hơn.
Là bến xe lớn nhất nước (tổng vốn 4.000 tỷ đồng, giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng), song từ khi đưa khai thác tháng 10/2020, bến Miền Đông mới luôn vắng khách. Nguyên nhân do bến mới xa trung tâm, khách chưa quen đi lại trong khi hạ tầng và phương tiện kết nối hạn chế. Bên cạnh đó, “xe dù, bến cóc” ở nội đô phức tạp cũng là lý do khiến công suất bến chưa như kỳ vọng.
Gia Minh