Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

TP Thủ Đức xếp cuối bảng năng lực cạnh tranh nội bộ

Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành, địa phương năm 2022 được UBND TPHCM công bố sáng 11/5. Đây là lần đầu tiên thành phố chấm điểm năng lực cạnh tranh các đơn vị trực thuộc. DDCI được xây dựng dựa trên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo kết quả này, TP Thủ Đức là xếp cuối bảng trong số các địa phương được đánh giá DDCI năm 2022. Đây cũng là đơn vị hành chính cấp quận duy nhất của TP HCM có điểm số đánh giá dưới 50 trên thang điểm 100.

Trong các chỉ số thành phần, TP Thủ Đức xếp cuối về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của chính quyền địa phương.

Địa phương này cũng nằm trong số 6 quận, huyện xếp cuối bảng về các chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp; vai trò của người đứng đầu.

Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân được lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên trên cả nước. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Tuy nhiên, hiện thành phố này chỉ có thẩm quyền tương đương cấp huyện nên gặp khó khăn trong điều hành, quản lý.

Trong khi đó, Phú Nhuận có số điểm cao nhất về năng lực cạnh tranh. Quận cũng là đơn vị dẫn đầu về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian; và nằm trong tốp 10 quận huyện về các chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Tuy nhiên, địa phương này chỉ xếp thứ 14 về chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp.

Ở khối sở, ngành, Sở Khoa học Công nghệ đứng thứ nhất trong 9 chỉ số thành phần như: thời gian, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức… Vị trí tiếp theo thuộc về Ban Quản lý các khu chế xuất – công nghiệp thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố.

Xếp cuối bảng là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với mức đánh giá thấp nhất về các chỉ số: vai trò người đứng đầu, chi phí thời gian, tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

Với 5 cơ quan ngành dọc tham gia đánh giá nhưng không xếp hạng, trong thang điểm 100, Bảo hiểm xã hội thành phố dẫn đầu với 74,93 điểm và Công an thành phố là đơn vị duy nhất có số điểm dưới 50 với 43,78.





Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi công bố. Ảnh: Lê Tuyết

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi công bố. Ảnh: Lê Tuyết

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, nói rằng việc chấm điểm công bố DDCI là thành phố thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của thành phố trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tổ hệ thống, đón đầu làn sóng đầu tư.

Theo ông Mãi, ở lần tổ chức đầu tiên, bên cạnh sự tích cực của các cơ quan, địa phương thì có ba sở Y tế, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo không cung cấp đủ thông tin để đánh giá. “Tôi nghiêm túc phê bình và các sở này cần rút kinh nghiệm”, ông Mãi nói.

Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu từ kết quả của bảng xếp hạng các sở, ngành, địa phương cần soi vào để cải thiện chất lượng công vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan cần triển khai quyết liệt đến từng cá nhân trong đơn vị để bảng xếp hạng phát huy được hiệu quả.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố từ năm 2005. Giai đoạn đầu TP HCM luôn trong top 10 nhưng từ 2018 bắt đầu tụt hạng và hai năm qua đều “dậm chân” ở vị trí thứ 14 trong số các tỉnh, thành (nhóm khá).

Lê Tuyết

Leave a Comment

0.0/5