Cuối tháng 4, 25 tranh tường, 60 tranh trên chum vại, 55 tranh trên thuyền thúng và 9 tác phẩm điêu khắc được nhiều họa sĩ đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam sáng tác tại làng bích họa Tam Thanh, xã Tam Thanh. Chính quyền xã hỗ trợ đi lại, ăn ở, các họa sĩ vẽ miễn phí.
Ngắm bức tranh vẽ trên tường nhà mình ở nhiều cự ly, nhiều khung thời gian, ông Tùng nói: “Tôi không hiểu tác giả muốn nói gì. Vẽ con bò không ra con bò, người cũng không ra người. Toàn màu đỏ, hình thù giống như chiếc quan tài”.
Một bức tranh khác vẽ ngư dân kéo lưới đánh cá. Công việc này do đàn ông đảm nhiệm, nhưng trong tranh lại là một phụ nữ có bộ ngực lớn. “Ở làng biển đàn bà không ai làm biển”, ông Hai, nhà cạnh bức tranh, nói.
Theo ông Tùng, ông Hai, những bức tranh trừu tượng như trên chỉ phù hợp trưng bày trong triển lãm, dành cho người am hiểu nghệ thuật. Còn với người làng biển, tranh mới không đẹp, không phù hợp với không gian công cộng.
Tam Thanh trở thành làng bích họa đầu tiên của cả nước vào năm 2016. “Những bức tranh khi đó miêu tả cuộc sống thực tế, rất gần gũi với người dân, ai xem cũng hiểu, cũng thấy yêu mến, khác hẳn với đợt tranh lần này”, ông Hai nói.
Biết làng bích họa có thêm tranh, chị Huyền, ở TP Tam Kỳ đã tới xem ngay. Ngắm nhiều bức tranh trên thuyền thúng, chị nhận xét “tranh xấu, các nét vẽ nguệch ngoạc, màu sắc không đẹp”.
Không hiểu được ý nghĩa tranh nên chị Huyền không chụp ảnh check in. “Tôi cho rằng nghệ thuật cộng đồng phải mang giá trị văn hóa của cộng đồng ở đó, sáng tạo dựa trên những cái hiện thực. Tôi vẫn thích tranh vẽ phong cảnh, con vật trước đây hơn”, chị Huyền nói.
Phản hồi về những bức vẽ được cho là khó hiểu, ông Võ Quang Hân, Phó chủ tịch xã Tam Thanh, nói: “Tam Thanh là làng nghệ thuật cộng đồng, mỗi họa sĩ có trường phái riêng và các tác phẩm đều là tâm huyết của họ. Vẽ tranh không phải tô đẹp mái nhà của người dân mà hướng đến phục vụ du khách”.
Theo ông Hân, mặc dù một số bức tranh người dân cho là xấu, chính quyền vẫn giữ lại và sẽ giải thích cho dân hiểu.
Tham gia vẽ tranh ở làng Tam Thanh, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói sáng tác mỹ thuật là công việc cá nhân. Một bức tranh sẽ có người thích và người không thích, chuyện đó là bình thường. Danh họa Pablo Picasso nổi tiếng nhưng nhiều người không thích tranh của ông.
Cũng như nhiều đồng nghiệp, ông Hỷ nói đến Tam Thanh với mong muốn thể hiện những cái mới. Sự đa dạng cách thể hiện sẽ hấp dẫn du khách và chủ nhà cần có thời gian tìm hiểu. “Tạo một mỹ cảm mới là công việc mà người làm mỹ thuật bao giờ cũng trăn trở và không dễ gì cộng đồng chấp nhận ngay”, ông nói.
Trước đó tháng 6/2016, Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc thực hiện dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn – Việt tại xã Tam Thanh với hơn 100 bức họa. Dự án đã giúp làng chài hoang sơ thành làng bích họa nổi tiếng ở Việt Nam, đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tạo thêm sinh kế cho người dân. Suốt bảy năm qua, nhiều chương trình vẽ bích họa được thực hiện để làm đẹp cho làng.