Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Trèo cây hái rau rừng ở núi Cấm

Sáng cuối tháng 4, núi Cấm mờ sương, khá mát mẻ. Người dân xứ núi bắt đầu nhịp sống chậm rãi. Anh Bửu mặc áo dài tay, đội nón lưỡi trai màu đỏ, mang theo túi đựng rau, lên xe máy chạy về hướng Vồ Thiên Tuế.

Dựng xe máy trước ngôi nhà gỗ, người thanh niên quê huyện Tịnh Biên, trò chuyện dăm câu với chủ nhà rồi men theo con đường mòn rộng chừng nửa mét lên núi. Bên dưới tán rừng, vài tia sáng đầu ngày xuyên qua kẽ lá rọi xuống cây cỏ tầm thấp, vươn một ít đọt non.

Anh Huỳnh Quốc Bửu hái rau rừng ở núi Cấm. Ảnh: Ngọc Tài

Anh Huỳnh Quốc Bửu hái rau rừng ở núi Cấm. Ảnh: Ngọc Tài

“Mùa nắng hái rau rừng khá cực. Mỗi điểm chỉ hái được vài kg. Phải đi 5-6 điểm mới đủ số rau chủ quán bánh xèo đặt hàng”, anh nói. Đọt ngành ngạnh, vừng gió mọc lưa thưa cạnh các tản đá, số khác vươn ra lối đi ven đường. “Dân xứ núi thích ăn vừng gió, có vị thuốc trị đau bụng, khó tiêu. Còn ngành ngạnh trị đau lưng, nhức mỏi”, anh Bửu kể một số kinh nghiệm dân gian.

Men theo hướng suối Thanh Long, người đàn ông hơn 5 năm trong nghề hái rau rừng tìm được cụm 3 cây bứa, thân cao hơn 10 m. Anh quan sát một lượt các cành nhánh bên trên để tìm hướng hái thuận lợi rồi leo thoăn thoắt lên cây. Một tay nắm chắc nhánh lớn trên cây, anh ngã người với ra hái những đọt bứa phía xa. Mỗi nhánh, anh không hái hết mà chừa vài đọt non để chúng phát triển.

“Sau khi hái, phải ba tuần cây mới có đọt mới. Hái phải chừa lại để cây còn phát triển chứ ngắt hết cây cằn cỗi, người cũng đói theo”, anh bảo. Để đỡ vướng tay, Quốc không mang theo túi đựng rau, hái đến đâu anh để rau rơi tự do xuống gốc cây. Lúc sau, xuống anh nhặt chúng cho vào túi.

Anh Huỳnh Quốc Bửu hái rau rừng ở núi Cấm. Ảnh: Ngọc Tài

Anh Huỳnh Quốc Bửu hái rau rừng ở núi Cấm. Ảnh: Ngọc Tài

Bứa rừng thân thẳng đứng, da nhám, cành to, thuộc hàng dễ leo. Trong khi đọt sung và vĩnh muốn hái phải kỳ công hơn. Sung rừng cây cao lêu nghêu, còn cây vĩnh thân da cám, trơn tuột, đòi hỏi lúc lên cây phải bám chặt cả chân và tay. Người hái rau rừng phải sức khoẻ tốt, tinh mắt, cẩn thận vì tánh mạng treo trên ngọn cây, chỉ sơ sẩy là hậu quả khó lường.

Trong hơn 20 loại rau rừng trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, bứa được xếp vào loại đặc sản khi ăn kèm với bánh xèo. Bứa vị chua giúp bánh xèo đỡ ngán, thực khách rất ưa chuộng, trở thành hương vị độc đáo so với bánh xèo dưới miền xuôi. Do đó, trong túi rau bán cho quán bánh xèo, có thể thiếu bất kỳ loại rau nào nhưng không thể thiếu bứa rừng. Mùa nắng rau rừng giá 20-30 nghìn đồng mỗi kg, giảm 5-10 nghìn đồng nếu vào mùa mưa. Một buổi đi rừng, mỗi người hái trung bình 20-30 kg.

Đọt bứa rừng loại rau đặc sản trên núi Cấm. Ảnh: Ngọc Tài

Đọt bứa rừng loại rau đặc sản trên núi Cấm. Ảnh: Ngọc Tài

Người hái rau rừng đều thủ ít nhất ba khu vực hái rau quen thuộc và nắm rõ đặc tính sinh trưởng của từng loại, bao lâu sẽ ra đọt mới, thời điểm nào hái thích hợp. Bà Lý Thu Hương, thời gian trước mở quán bánh xèo, tự tay tìm hái rau rừng, cho biết việc hái rau rừng ở núi Cấm không dễ dàng, nhất là phải trèo lên những dốc cao, thủ sẵn các vật dụng trừ muỗi, xua đuổi rắn.

“Rau rừng có loại hái buổi sáng vị chua ngọt, lúc trưa vị lại chát. Phải nắm kỹ mới phối trộn được các loại rau ngon, đủ vị, nhìn hấp dẫn”, bà Hương nói. Sau dịch những người hái rau rừng ít dần, chỉ còn 4-5 người còn theo, giảm phân nửa so với trước. Người bán bánh xèo cũng hạn chế bày sạp rau hàng trăm kg như trước, chỉ một vài hàng bán còn chăm chút hàng rau để thu hút khách.

“Người hái rau rừng thường kiêm thêm công việc khác như chạy xe ôm hay chăm sóc cây trái ở nhà mới đủ sống”, bà Hương cho biết.

Núi Cấm cao hơn 700 m nằm trong dãy Thất Sơn của An Giang. Mỗi năm nơi đây thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, từ đây cũng hình thành những hàng quán bán bánh xèo, dọc chân núi hay cạnh chùa Phật Lớn. Bánh xèo xứ núi dùng nhân tép, thịt, phối trộn với đậu xanh và các loại nấm đặc biệt ăn kèm với các loại rau rừng hái trên núi.

Trèo cây hái rau rừng

 
 

Nghề hái rau rừng ở núi Cấm. Video: Thanh Tiền

Ngọc Tài

Leave a Comment

0.0/5