Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết “Chống lãng phí”, trong đó khẳng định công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới “rất khẩn trương, cấp bách”. VnExpress phỏng vấn TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ về nội dung này.
– Qua thực tiễn công tác nhiều năm, ông định nghĩa thế nào là lãng phí?
– Lãng phí là sử dụng quá mức cần thiết các nguồn lực, từ tiền bạc đến thời gian, mà không đạt được hiệu quả tương xứng. Điển hình là các dự án kéo dài, nguồn lực đầu tư không được sử dụng hiệu quả hoặc công trình bỏ hoang.
Đơn giản nhất, lãng phí là khi chúng ta tiêu tốn nhiều hơn những gì cần thiết để đạt được một kết quả. Chẳng hạn như khi công việc lẽ ra chỉ cần một tuần để hoàn thành nhưng kéo dài đến hai tuần. Hoặc khi sản phẩm được làm ra với chi phí rất lớn nhưng chất lượng không đạt yêu cầu.
Tuy nhiên lãng phí không phải lúc nào cũng dễ dàng đo lường bằng con số. Trong nhiều trường hợp, hiệu quả không chỉ thể hiện qua tài chính mà còn là sự hài lòng của người sử dụng, tác động xã hội hay thậm chí là những ảnh hưởng đến môi trường.
– Ông đánh giá lãng phí và tham nhũng khác nhau như thế nào?
– Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” đã trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn”. Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này, vì lãng phí đôi khi phổ biến hơn cả tham nhũng.
Tham nhũng và lãng phí thường đi đôi với nhau, tạo thành hệ lụy nghiêm trọng trong bộ máy quản lý, gây tổn hại đến sự phát triển của đất nước, nhưng là hai vấn đề khác nhau.
Tham nhũng liên quan trực tiếp đến việc cán bộ lợi dụng chức vụ để thu lợi riêng, như nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản nhà nước. Lãng phí, ngược lại, không nhất thiết xuất phát từ động cơ vụ lợi, mà thường là do thiếu trình độ, thiếu trách nhiệm, hoặc cách làm việc hời hợt.
Điểm khác biệt lớn nhất là tham nhũng chủ yếu xảy ra ở khu vực công, còn lãng phí thì phổ biến khắp nơi – từ các cơ quan nhà nước đến xã hội, từ việc ăn uống đến những hoạt động sinh hoạt hàng ngày như sử dụng điện, nước.
Tham nhũng thường có thể xác định cụ thể được số tiền thiệt hại, ví dụ trong một vụ nhận hối lộ. Nhưng lãng phí thì khác, đặc biệt trong các dự án bỏ hoang hoặc không sử dụng đúng mục đích, số tiền bị thất thoát rất khó để xác định chính xác. Hơn nữa, tài sản bị lãng phí có thể đã hao mòn, xuống cấp, việc thu hồi trở nên bất khả thi.
Cũng phải nhấn mạnh rằng tham nhũng tập trung ở một nhóm nhỏ cá nhân, trong khi lãng phí thì diễn ra ở khắp mọi nơi. Chính tính chất lan tỏa của lãng phí khiến việc xử lý nó trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
– Vậy theo ông, lãng phí đang xảy ra phổ biến ở những lĩnh vực nào?
– Một trong những lĩnh vực dễ nhận thấy nhất chính là giải ngân vốn đầu tư công. Mỗi năm, có hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn không được giải ngân đúng hạn. Nguyên nhân theo tôi là thủ tục hành chính phức tạp, quy hoạch thiếu tính khả thi và năng lực triển khai dự án còn hạn chế. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm chậm quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài ra, lãng phí trong quản lý đất đai cũng là một vấn đề lớn. Nhìn quanh các đô thị sẽ thấy nhiều khu đất “vàng” bị bỏ hoang, trong khi nhu cầu nhà ở lại rất cao. Đất đai không được sử dụng đúng mục đích vì cơ chế quản lý chưa đủ chặt chẽ và thiếu chính sách khuyến khích sử dụng hiệu quả. Điều chỉnh quy hoạch liên tục cũng gây ra bất ổn, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Ví dụ điển hình như hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam. Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng, hạ tầng xuống cấp và trở thành gánh nặng cho ngân sách.
Còn một lĩnh vực nữa là việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Rất nhiều trụ sở cơ quan bị bỏ trống hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực. Việc bổ nhiệm cán bộ không đúng với năng lực công tác cũng là một dạng lãng phí nhân lực.
Và không thể không nhắc đến quá trình xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, vẫn còn tình trạng chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, lãng phí thời gian và nguồn lực của cả cơ quan nhà nước lẫn người dân và doanh nghiệp.
– Lãng phí đang xảy ra phổ biến ở nhiều lĩnh vực, vậy vì sao vấn đề chống lãng phí lại được đặt ra cấp bách vào thời điểm này?
– Tham nhũng và lãng phí đều gây thiệt hại lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, xã hội thường nhìn nhận tham nhũng nguy hiểm hơn lãng phí, cho rằng tham nhũng là có tội còn lãng phí chỉ là lỗi. Nhưng sự thật thì số tiền bị thất thoát do lãng phí có khi còn lớn hơn rất nhiều, đặc biệt trong các dự án đầu tư công lớn.
Cả tham nhũng và lãng phí đều làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Chống tham nhũng mà không chống lãng phí thì cũng chỉ mới giải quyết một nửa vấn đề. Nhìn vào thành tựu chống tham nhũng gần đây của Đảng và Nhà nước ta – rõ ràng là rất đáng kể. Chúng ta đã và đang làm trong sạch bộ máy, nâng cao niềm tin của người dân. Nhưng còn lãng phí thì sao? Tình trạng lãng phí trong các báo cáo vẫn rất lớn.
Đất nước đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới, do đó việc khắc phục lãng phí là yêu cầu cấp bách. Đây là thời điểm thích hợp để phát động một cuộc đấu tranh phòng chống lãng phí trên toàn quốc. Phải để mỗi người dân nâng cao ý thức tiết kiệm, giám sát, và sẵn sàng phản ánh những hành vi lãng phí để góp phần xây dựng đất nước.
– Từng nhiều năm phụ trách công tác pháp chế của Thanh tra Chính phủ, ông đề xuất gì để ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi lãng phí?
– Để xử lý hiệu quả lãng phí, cần các biện pháp mạnh mẽ và toàn diện. Dù pháp luật đã quy định rõ về chống lãng phí, việc thực thi còn nhiều bất cập do tính phức tạp của các hành vi và sự chồng chéo trách nhiệm. Đặc biệt, việc quy trách nhiệm cá nhân hoặc tổ chức trong các dự án kéo dài, liên quan nhiều thế hệ lãnh đạo, là thách thức lớn.
Chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, gắn chặt trách nhiệm với người đứng đầu. Việc công khai danh sách cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ tạo áp lực xã hội. Các hình thức xử phạt cũng phải đủ sức răn đe, đảm bảo công bằng, minh bạch.
Cùng với đó, cần tăng cường cơ chế giám sát chặt chẽ, thúc đẩy kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiết kiệm và chống lãng phí. Khuyến khích người dân tham gia giám sát, tố cáo vi phạm cũng là một biện pháp hiệu quả.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc và giảm thiểu rủi ro lãng phí, tham nhũng. Số hóa quy trình quản lý sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên và tăng cường hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần phát triển nền văn hóa tiết kiệm trong cộng đồng. Hình thành thói quen tiết kiệm từ nhỏ sẽ giúp mỗi cá nhân trở thành công dân có trách nhiệm cao. Các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về tiết kiệm cần được lồng ghép vào chương trình học và sinh hoạt xã hội.
Cuối cùng, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và người dân là điều cần thiết để thực hiện hiệu quả các giải pháp chống lãng phí. Mỗi người dân cần ý thức hơn về việc tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
– Cụ thể hơn, quy trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt những dự án kéo dài qua nhiều thế hệ lãnh đạo, theo ông cần thực hiện như thế nào?
– Việc truy cứu trách nhiệm cá nhân trong các vụ lãng phí, sai phạm là điều cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, công bằng. Đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm như tham nhũng, cố ý làm trái, gây hậu quả lớn, phải xử lý bằng hình thức hình sự. Với các vi phạm hành chính hoặc sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nên áp dụng xử lý hành chính và kỷ luật Đảng với những cán bộ, đảng viên vi phạm.
Trong các dự án kéo dài qua nhiều thế hệ lãnh đạo, thách thức lớn là việc truy cứu trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức. Qua kinh nghiệm thực tế, tôi thấy hồ sơ lưu trữ của các dự án thường rất đầy đủ, ghi rõ tiến độ, thời gian, người phụ trách tại từng giai đoạn. Để đánh giá đúng trách nhiệm, cần dựa trên tiêu chí tuân thủ pháp luật và thái độ làm việc. Hồ sơ lưu trữ, sự chủ động và trách nhiệm của cá nhân sẽ giúp chúng ta xác định rõ ai phải chịu trách nhiệm trong mỗi giai đoạn.
Mục tiêu cuối cùng vẫn là xử lý công bằng, minh bạch, đảm bảo không bỏ lọt bất kỳ hành vi vi phạm nào, đồng thời xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả, tránh “tư duy nhiệm kỳ” và đảm bảo sự phát triển bền vững của các dự án.