Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vướng mắc trong khai thác mỏ vật liệu phục vụ cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai (2022-2025) với chiều dài 721 km. Toàn bộ 25 gói thầu xây lắp đã khởi công đầu năm nay.

Để có cát, đất đắp nền, ban quản lý dự án, nhà thầu đã làm việc với địa phương thực hiện thủ tục khai thác mỏ; làm việc với chủ sở hữu đất khu vực mỏ để thỏa thuận giá đền bù giải phóng mặt bằng. Các nhà thầu đã trình địa phương hồ sơ 48 trong tổng số 82 mỏ đất cần được cấp phép; trình 25 trong 31 hồ sơ mỏ cát. Các mỏ còn lại chưa đủ thủ tục.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đầu tư và Xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), đến ngày 9/5 các địa phương mới cấp được 2 mỏ đất cho nhà thầu khai thác gồm: Tỉnh Bình Định cấp cho nhà thầu Sơn Hải đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn; tỉnh Khánh Hòa cấp cho nhà thầu Lizen, đoạn Vân Phong – Nha Trang. Còn hàng chục mỏ đất khác chưa được chấp thuận khai thác.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư và Xây dựng giải thích các địa phương chưa giải quyết thủ tục giao mỏ cho nhà thầu do vướng mắc trong xác định giá bồi thường, thuê đất để khai thác mỏ. Địa phương cho rằng cần đánh giá tác động môi trường đối với mỏ cát do lo ngại sạt lở bờ sông. Một số tỉnh đề nghị nhà thầu khảo sát, thăm dò trước khi lập và trình hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác mỏ.





Mỏ đất Hàm Trí phục vụ thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc

Mỏ đất Hàm Trí phục vụ thi công cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc

Thi công cao tốc Bắc Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, phân tích địa phương không giải phóng mặt bằng các mỏ mà giao cho nhà thầu thỏa thuận với dân. Người dân yêu cầu giá đền bù cao gấp 2-3 quy định của nhà nước, trong khi hợp đồng nêu rõ mức đền bù bằng đơn giá của nhà nước. “Khi dân không đồng ý nhận tiền đền bù, giao đất thì địa phương cũng không có cơ sở tổ chức cưỡng chế”, ông Đông nói.

Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị các cơ quan sớm ban hành quy định chi tiết về trình tự hồ sơ, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, vì hiện nay mỗi địa phương hướng dẫn một kiểu, gây khó cho nhà thầu. Chủ đầu tư tổ chức cắm cọc mỏ vật liệu và bàn giao cho địa phương thu hồi đất, chi phí giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu thuộc chi phí của dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng, nhượng quyền sử dụng đất, giá chuyển nhượng đảm bảo phù hợp với với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước và có chế tài với trường hợp chủ sở hữu không thực hiện.

Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2022-2025) được chia làm 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh thành phố. Dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120 km/h. Tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và khai thác 2026, giúp nối liền toàn trục cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.





12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Đồ họa: Tạ Lư

12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Đồ họa: Tạ Lư

Đoàn Loan

Leave a Comment

0.0/5