Ngày 19/7, UBND TP Tam Kỳ tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước hồ sông Đầm”. Chính quyền thành phố kỳ vọng hội thảo là cơ sở khoa học, tiền đề quan trọng để xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh.
Hồ sông Đầm rộng 200 ha, nước sâu trung bình 1,6 m. Lưu vực xung quanh hơn 650 ha, thuộc xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú. Sau hai năm nghiên cứu, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đánh giá hồ có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, đặc trưng của Nam Trung Bộ, có 80 loài động vật xương sống, 214 loài không xương sống và 170 loài thực vật thuộc 74 họ đang sinh sống.
Thời chiến tranh, hồ sông Đầm là vùng đầm hoang vu đầy lau lách và cây sậy, chở che cho quân dân. Chiến tranh kết thúc, người dân khai phá đầm để trồng lúa, hoa màu nên cây lau lách, sậy bị thu hẹp. Hiện hồ sông Đầm đối mặt với ô nhiễm nước thải từ khu công nghiệp Tam Thăng đổ ra.
Quanh hồ người dân sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều người dùng xung điện, lưới lồng để khai thác thủy sản… Đây là những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm, cạn kiệt mất cân bằng hệ sinh thái và số loài có nguy cơ tuyệt chủng gia tăng.
PGS.TS Phạm Hồng Thái, Phó tổng giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, nói: “Cần phải có biện pháp quy hoạch bảo tồn sinh thái và sinh cảnh sống của các loài, giảm thiểu nguyên nhân tác động đến số cá thể ngoài tự nhiên nhằm phát triển bền vững các loài, quần thể thực vật nơi đây”.
TS Lương Quang Đốc, Khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học Huế), cho rằng hồ sông Đầm đủ điều kiện hình thành khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh. Việc hướng tới khu bảo tồn đất ngập nước cần xác định ranh giới và ban hành quy chế quản lý. Chính quyền đánh giá các hoạt động đang gây tác động đến môi trường hồ Sông Đầm để có giải pháp xử lý.
“Chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác trái phép như xung điện, lồng xếp và ngư cụ có mắt lưới nhỏ”, ông Đốc nói, thêm rằng nên khoanh vùng để các nhóm cây bản địa phát triển tự nhiên ở mặt nước và bãi lầy. Các loài cây bản địa nên được trồng ở vùng đệm và cây cảnh quan trồng ở khu nền đất cao.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam cho biết để thành lập khu bảo tồn đất ngập nước hồ sông Đầm cần khảo sát, xây dựng hồ sơ trình các cấp thẩm định. Trong đó, thành phố cần tập trung xác định và xây dựng quy hoạch chi tiết khu bảo tồn đất ngập nước sông Đầm.
Thành phố Tam Kỳ xác định rõ các phân khu gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái, khu dịch vụ – hành chính; ranh giới từng phân khu theo nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cho rằng để bảo tồn, phát huy các giá trị hệ sinh thái đất ngập nước hồ sông Đầm, TP Tam Kỳ cùng sở ngành xây dựng kế hoạch tổng thể để khôi phục, phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước và có lộ trình phù hợp.
Ông Bình đề nghị TP Tam Kỳ xây dựng hồ sơ thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh đối với hồ sông Đầm, làm cơ sở để triển khai các kế hoạch, hoạt động bảo tồn. “Tham phố thực hiện dự án chuyển dòng, không để nguồn nước xả thải của khu công nghiệp Tam Thăng đổ vào hồ sông Đầm nhằm giảm thiểu tác động xấu, suy giảm hệ sinh thái, đa dạng sinh học”, ông nói.
Theo quy hoạch TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị sinh thái và phát triển du lịch. Thành phố đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư 118 tỷ đồng xây dựng hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái khu vực sông Đầm, thực hiện trong năm 2024.