Ông An là Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho, chuyên sản xuất giày, kể lại lần về tỉnh tuyển lao động hồi tháng 6. Năm nay, nhà máy có đơn hàng, cần thêm 1.500 lao động, đăng tải thông tin nhiều nhưng quá ít ứng viên nộp hồ sơ. Để hỗ trợ ban giám đốc, ông tận dụng các mối quan hệ lâu năm về các tỉnh tìm người.
“Nhà máy bố trí sẵn chỗ ở, ứng trước một khoản để trang trải sinh hoạt, xe đưa đón nhưng lao động dưới tỉnh cũng ngại lên Sài Gòn”, ông An nói. Khi tìm gặp những công nhân cũ đã hồi hương từ đợt dịch, nhiều người vẫn còn e ngại “trải nghiệm ở thành phố đủ rồi”.
“Khó tuyển người là một trong ba thách thức lớn nhất của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, bên cạnh bị ép giá và đáp ứng tiêu chí xanh, số”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, nói. Các nhà máy phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có được đơn hàng ổn định đến đầu năm sau nhưng giờ đây thiếu người làm. Qua đợt dịch vừa rồi, lao động trở về địa phương, không quay trở lại. Người nhập cư giảm, ảnh hưởng nguồn lao động của thành phố.
Khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho thấy những ngành sử dụng nhiều lao động nhập cư, nhất là lao động phổ thông, không yêu cầu tay nghề cao thuộc nhóm dệt may, giày da, điện tử, thương mại dịch vụ, lưu trú ăn uống, xây dựng. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động ngoại tỉnh lên trên 60%.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, nói trước đây thành phố luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu về thu hút lao động nhập cư, kể cả người nước ngoài. Tuy nhiên, những năm gần đây xu hướng này có dấu hiệu giảm. Có nhiều nguyên nhân, song rõ nét nhất là người lao động thêm lựa chọn công việc ở quê bởi hiện nay các địa phương trong cả nước đều có khu công nghiệp, khu kinh tế, thu hút doanh nghiệp đầu tư, hoạt động ở một số lĩnh vực tương tự như thành phố.
Lãnh đạo ngành lao động thành phố cho rằng biểu hiện rõ nhất của người nhập cư giảm là những ngành có quy mô lao động phổ thông lớn, cần tuyển số lượng nhiều, luôn trong tình trạng thiếu người. Doanh nghiệp phải bố trí làm thêm giờ để bù đắp nhân sự thiếu hụt hoặc cải tiến dây chuyền, ứng dụng công nghệ, tự động hóa, máy móc thay thế các công đoạn giản đơn. Nhiều công ty còn đưa nhà máy sản xuất về tỉnh duy trì hoạt động.
Khảo sát của chuyên trang tuyển dụng Việc làm tốt, 8 tháng đầu năm nay, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trên nền tảng tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Việc làm tốt, trái ngược với đà tăng trưởng của nhu cầu sử dụng lao động thì trang ghi nhận lượng người tìm việc không tăng tương ứng. Khảo sát của Việc làm tốt cho thấy 85% doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động trả lời đang gặp khó khăn khi tìm người. Thực trạng thiếu nhân lực không chỉ diễn ra ở công nhân sản xuất mà nhiều nhóm ngành nghề khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), một lượng lớn lao động di cư đến TP HCM gia nhập vào lực lượng lao động phổ thông, các ngành dịch vụ hoặc làm tự do. Sự đóng góp của họ không được ghi nhận rõ ràng bằng số liệu nhưng nếu thiếu họ thành phố sẽ thực sự khó khăn.
Ví dụ ngành thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ có sự đóng góp của lực lượng giao hàng. Các chợ đầu mối hoạt động xuyên đêm nhờ đội ngũ khuân vác làm việc 24/24. Các khu trung tâm với hệ thống hẻm nhỏ hẹp, các dịch vụ sửa chữa nhà cửa phải nhờ đến thợ. Ngay cả buôn bán hàng rong, cửa hàng ăn uống với lực lượng lao động đông đảo giúp nhịp sống công nghiệp nhanh, tiện, lợi của thành phố được vận hành trôi chảy…
“Họ như những mao mạch của một cơ thể, thiếu vắng họ thành phố không còn sức sống”, ông Lộc nói, thêm rằng khi người nhập cư rời đi khiến thị trường thiếu nguồn cung, dịch vụ thu hẹp, người thành phố sẽ phải trả các chi phí đắt đỏ hơn. Để dễ hình dung về tác động người nhập cư rời thành phố, có thể nhắc lại sau giãn cách vì Covid-19, hàng trăm nghìn người rời đi khiến hàng loạt dịch vụ, hoạt động ở thành phố này gần như ngưng lại.
Chuyên gia cho hay để giữ chân được lao động di cư, để họ không “xuất cư”, TP HCM sẽ đối mặt với nhiều thách thức cũng như phải cải thiện, thay đổi nhiều chính sách. “Hiện, số đông người rời đi có thể chỉ tập trung vào công nhân, lao động tự do, kỹ năng thấp nhưng về lâu dài có thể sẽ là mọi thành phần, chưa kể còn gặp trở ngại khi thu hút người mới”, ông Lộc cảnh báo.
Theo định hướng phát triển TP HCM năm 2025-2030, để đạt được mức tăng trưởng bình quân 8,04% mỗi năm, nguồn cung lao động thành phố phải tăng tương ứng từ 6-7 triệu người. Hiện tại, thành phố có khoảng 5 triệu lao động với hơn 2,7 triệu người làm việc chính thức tại các doanh nghiệp, đơn vị có đóng bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu “Định hướng chiến lược lao động việc làm và phát triển kỹ năng tại TP HCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030” nhận định từ năm 2027 nhu cầu lao động trên thị trường có thể vượt khả năng cung ứng. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề thành phố đang gặp phải khi thu hút lao động gồm môi trường, biến đổi khí hậu với ngập lụt, rác thải, xe cộ gia tăng, bụi mịn, khí thải; cạnh tranh với tỉnh thành lân cận; biến động thế giới và giai đoạn dân số vàng đang qua.
Tương tự, báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023, các lý do khiến người dân nơi khác muốn đến TP HCM sinh sống là cơ hội việc làm (chiếm 35,1%), đoàn tụ gia đình (35,4%). Trong khi đó, nhiều tiêu chí khác lại kém xa các địa phương cùng dẫn đầu, ví dụ dịch vụ công xếp sau Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ; phong cách sống cũng bị đánh giá thấp hơn Đà Nẵng, Cần Thơ; môi trường tự nhiên cũng thua Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng hàng chục năm qua, TP HCM thu hút lao động di cư theo cách tự nhiên, tức để xã hội tự điều tiết. Tuy nhiên, giờ đây các tỉnh thành đều tìm cách giữ chân lao động, các khu công nghiệp mọc lên, khoa học kỹ thuật, tiền lương tiệm cận thành phố. Trong bối cảnh mới, thành phố cần tính toán thu hút có chọn lọc, tức mong muốn ai sẽ đến thành phố và thành phố mang đến cho họ điều tốt đẹp gì về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục mà tỉnh, thành khác không có được.
“Nhìn doanh nghiệp và các nước thu hút nhân tài sẽ có cách làm”, chuyên gia nói. Đơn cử như doanh nghiệp mời được lao động giỏi từ các nước phát triển đến Việt Nam làm việc vì trả lương xứng đáng, đảm bảo cho con cái học hành, chỗ ở và đôi khi lo luôn cho người bạn đời của lao động. Các nước châu Âu, Mỹ… thu hút lao động giỏi đến từ các nước có chọn lọc bằng cách trao học bổng cho những ngành nghề đang thiếu người…
Không gian phát triển của TP HCM cần mở rộng ra khỏi địa giới hành chính, tăng tính liên kết vùng. Tỉnh thành trở thành vùng nguyên liệu, sản xuất, đối tác. Thành phố là đầu não với những ngành nghề sáng tạo, khoa học kỹ thuật vượt trội và hỗ trợ ngược lại cho các địa phương. “Khi đó, lao động ở đâu cũng sẽ đóng góp được cho thành phố”, ông Lộc nói.
Theo VCCI chi nhánh TP HCM và Tổ chức di cư quốc tế IOM, muốn giữ dòng người nhập cư ở lại thành phố, cần nỗ lực của cả chính quyền và doanh nghiệp.
Cụ thể nhà nước có thể hỗ trợ chi phí điện, nước, nhà trọ giá thấp, chi phí giữ trẻ, nơi học tập cho con cái, duy trì và tìm kiếm việc cho lao động nữ trên 40 tuổi. Doanh nghiệp đồng hành cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng phúc lợi cho người lao động. Chủ nhà trọ tư nhân được vay vốn ưu đãi để sửa chữa nhà, tăng thêm dịch vụ cho người thuê với giá phải chăng…
Trong khi chờ các giải pháp hỗ trợ, những doanh nghiệp như Việt Nam Samho vẫn loay hoay tự tìm kiếm nguồn lao động bù đắp số thiếu hụt. Về quê tuyển dụng, tăng hỗ trợ, đưa đón tận nơi, thuê sẵn nhà trọ… nhưng sau nhiều tháng miệt mài, nhà máy Việt Nam Samho còn thiếu vài trăm công nhân. Năm sau doanh nghiệp tròn 30 năm hoạt động ở TP HCM, là thế hệ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tiên đến với thành phố. “Chúng tôi đã làm những gì có thể nhưng chỉ doanh nghiệp cố gắng thôi là chưa đủ”, ông Nguyễn Thanh An nói.
Lê Tuyết
Bài 3: Giữ vị thế TP HCM trong dòng người di cư