Kế hoạch phóng tàu Chandrayaan-4 và hợp tác với Nhật Bản triển khai một tàu đổ bộ và xe tự hành không người lái lên Mặt Trăng được ông S. Somanath, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), chia sẻ với New Delhi tuần trước.
Chandrayaan-4, với mục tiêu thu thập khoảng 3 kg mẫu đất đá Mặt Trăng từ khu vực giàu băng nước gần cực nam, đưa về Trái Đất. Đây là một trong số các nhiệm vụ quan trọng gần đây được chính phủ Ấn Độ phê duyệt để thúc đẩy nền kinh tế vũ trụ. Một khoản kinh phí 21 tỷ rupee (tương đương 250 triệu USD) đã được phân bổ cho sự trở lại Mặt Trăng của quốc gia này.
“Người Mỹ và Nga đã thực hiện điều này từ rất lâu rồi, nhưng việc làm lại điều đó ngày nay vẫn là một thách thức lớn – và rất tốn kém”, ông Somanath phát biểu. “Chúng tôi đang tìm cách thực hiện nhiệm vụ lên Mặt Trăng và trở về với chi phí thấp”.
Nhiệm vụ được thiết kế bao gồm 5 module tàu vũ trụ, đòi hỏi hai lần phóng từ tên lửa mạnh nhất của ISRO, LVM-3. Lần phóng đầu tiên sẽ đưa một tàu đổ bộ và một phương tiện bay lên thu thập mẫu, trong khi lần thứ hai sẽ đưa một module chuyển giao và một module tái nhập, chúng sẽ đậu trên quỹ đạo Mặt Trăng. Theo kế hoạch, module bay lên mang mẫu vật thu thập được sẽ phóng từ bề mặt Mặt Trăng và chuyển giao “hàng hóa” quý giá cho module tái nhập. Sau đó, module tái nhập sẽ quay trở lại Trái Đất.
Để thực hành việc ghép nối hai tàu vũ trụ trên quỹ đạo – một trong những khía cạnh khó khăn nhất của Chandrayaan-4 – ISRO sẽ phóng một thí nghiệm ghép nối không gian (SPADEX) trị giá 14 triệu USD vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, theo Deccan Herald.
Các công nghệ nội địa khác đang được phát triển cho nhiệm vụ Mặt Trăng bao gồm một cánh tay robot để xúc đất đá từ bề mặt Mặt Trăng và một cơ chế khoan để thu thập mẫu ở độ sâu vài mét dưới bề mặt, theo ISRO.
Khu vực hạ cánh vẫn chưa được công bố chính thức. Các báo cáo trước đó cho thấy nhiệm vụ sẽ nhắm mục tiêu hạ cánh gần điểm Shiv Shakti, gần cực nam Mặt Trăng, nơi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hiện không còn hoạt động đã hạ cánh.
Sự dồi dào băng nước ở cực nam Mặt Trăng khiến nơi này trở thành mối quan tâm lớn đối với các quốc gia du hành vũ trụ, vì các nhà khoa học nghi ngờ băng này có thể được khai thác để hỗ trợ sự sống và làm nhiên liệu tên lửa. Đầu tuần này, NASA đã chọn ra 9 địa điểm hạ cánh tiềm năng gần cực nam Mặt Trăng cho chuyến đổ bộ có người lái đầu tiên, Artemis 3. Trung Quốc cũng có các nhiệm vụ sắp tới nhắm mục tiêu cực nam, và đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trước khi kết thúc thập kỷ này.
“Ttất cả chúng tôi đều hào hứng thiết kế và phát triển nhiệm vụ phức tạp này – Chandrayaan-4 – và biến nó thành hiện thực vào năm 2028”, ông Somanath nói.
Trước đó, vào thàng 8/2023 Trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt Trăng. Thành công của Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Nhiệm vụ cũng đánh dấu sự nổi lên của Ấn Độ trong vai trò một cường quốc vũ trụ mới.
Nhiệm vụ Mặt Trăng đầu tiên trong chương trình Chandrayaan của Ấn Độ là Chandrayaan-1, triển khai vào năm 2008. Nhiệm vụ gồm một tàu quỹ đạo bay quanh Mặt Trăng ở độ cao 100 km để lập bản đồ địa chất, khoáng vật và hóa học của Mặt Trăng. Sau khi con tàu hoàn thành mọi mục tiêu của nhiệm vụ chính, quỹ đạo được nâng lên 200 km vào tháng 5/2009. Nhiệm vụ kết thúc khi các chuyên gia mất liên lạc với nó cuối tháng 8/2009.
Năm 2019, Ấn Độ triển khai nhiệm vụ Chandrayaan-2 nhằm thử sức đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng nhưng thất bại. Trạm đổ bộ và robot bị phá hủy khi đâm xuống Mặt Trăng ở nơi gần với vị trí hạ cánh dự kiến của Chandrayaan-3. Trong khi đó, tàu quỹ đạo của Chandrayaan-2 triển khai thành công và vẫn đang bay quanh Mặt Trăng.
Bảo Anh (Theo Space/Times of India)