Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Dân chung cư Hà Nội tự sửa nhà sau bão Yagi

Trưa 7/9 bão Yagi đổ bộ Hà Nội, nước từ phía cửa sổ chảy như suối, tràn vào căn hộ của chị, khiến trần phòng ngủ sập xuống. “May lúc đó chưa đến giờ ngủ nên không có thiệt hại về người”, chị Ngọc Bích, 35 tuổi, nói.

Khu chung cư của chị Bích bàn giao năm 2019, vẫn trong thời hạn bảo hành nhưng chủ đầu tư nói “hư hỏng do thiên tai và con người gây ra không được hỗ trợ”.

Trần thạch cao bị sập trong căn chung của của gia đình chị Ngọc Bích ở quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần thạch cao bị sập trong căn chung của của gia đình chị Ngọc Bích ở quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ sau bão, hai con chị Hồng Loan ở quận Nam Từ Liêm sinh ra thói quen tự động lót giẻ dưới cửa sổ hai phòng ngủ mỗi khi trời mưa.

Căn hộ áp mái ở chung cư quận Nam Từ Liêm của chị được bàn giao từ 2018. Tình trạng tường và trần bị ngấm nước đã xảy ra trước bão Yagi ba tháng. Cứ mưa là nước ngấm vào tường và chảy xuống cửa sổ, sàn nhà. Trần mốc loang, sàn phồng rộp. Điều hòa không dám bật vì sợ hở điện. Nhiều đêm mưa to, vợ chồng chị Loan không ngủ được, chốc chốc phải dậy thay giẻ lót sàn.

Khi chị Loan báo cáo tình trạng căn hộ, ban quản lý trả lời đã hết thời gian bảo trì nên cư dân phải tự xử lý. Chị định làm chống thấm bên trong, nhưng do ở tầng áp mái, căn góc hướng Tây nên mưa là hắt, đơn vị thi công đề xuất xử lý toàn bộ mái, chi phí lên đến vài trăm triệu đồng.

Tại chung cư ở Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, anh Phạm Tuấn, 39 tuổi, đang mua keo về tự hàn các cửa sổ. Sàn nhà, cả hai phòng ngủ và phòng khách đều bị phồng rộp ở khu vực sát cửa sổ chưa biết xử lý thế nào.

Sau bão Yagi, tình trạng thấm dột trong căn chung cư ở huyện Đan Phương, Hà Nội của anh Đức Hùng, 37 tuổi càng thấm dột, Căn hộ đi vào sử dụng 10 năm, đã làm chống thấm vài lần. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tình trạng thấm dột ngày càng nặng kể từ bão Yagi trong một căn chung cư ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tình trạng ngấm tường, rơi vỡ kính, sập trần thạch cao, hỏng sàn xảy ra ở nhiều chung cư Hà Nội sau siêu bão Yagi.

Kiến trúc sư Trương Thành Trung, Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T, cho biết nhận được nhiều phản ánh về tình trạng hư hỏng ở các chung cư, nổi cộm nhất là thấm dột.

Khảo sát một khu ở Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm ông Trung thấy tình trạng ngấm tường xuất hiện ở khoảng 1/4 số căn hộ của tòa nhà hướng Tây. Thậm chí các nằm ở tầng giữa cũng bị dột.

Lý giải nguyên nhân, kiến trúc sư cho biết sau một thời gian sử dụng các chung cư có hiện tượng nứt kết cấu, khiến nước thấm qua khe tường rồi dẫn ngược vào trong nhà. Các hệ thống keo, gioăng cửa sổ sau một thời gian sử dụng mất sự liên kết cũng là nguyên nhân.

Đáng kể nhất là việc chênh lệch áp suất của gió khi mưa bão khiến nước bị hút từ các khe rạn nứt trên tường từ ngoài vào bên trong.

Ngoài ra, một số chung cư sử dụng gạch chống nóng xây dựng khiến cho hệ thống thoát nước trên mái chậm. Nếu các vị trí ga thoát bị chặn bởi rác, lá cây sẽ khiến mái nhà như một bể nước mỗi khi mưa lớn, gây ra thấm ở các vị trí xung yếu.

Việc phát hiện vị trí chính xác thấm dột từ đâu rất khó, xử lý cũng phức tạp, chi phí rất cao khiến các hộ dân không thể tự xử lý.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết bão Yagi như một “phép thử với chất lượng của chung cư”. Các trường hợp rơi kính, thấm tường, dột trần, sập trần thạch cao, hỏng lan can cho thấy công trình có vấn đề. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà thầu mà còn về phía chủ đầu tư và chính các cơ quan giám sát thi công.

“Do vậy nhận thức đầy đủ việc đáp ứng các quy chuẩn, quy phạm trong thi công xây dựng công trình là rất cần thiết thay vì việc bỡ ngỡ khi đối mặt với các tình huống nguy hiểm như bão Yagi”, ông Ánh nói.

Cũng theo chuyên gia, các yếu tố này cần được triển khai đồng bộ từ lúc thẩm định hồ sơ thiết kế, xem xét yêu cầu về điều kiện vật liệu liên kết, chất liệu, sức chịu tải trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt và giải pháp thiết kế.

Đặc biệt, quá trình giám sát công trình không chỉ dừng lại ở bên cơ quan thẩm định và chủ đầu tư mà cần có bên thứ ba (nhóm có lợi ích trực tiếp liên quan đến tài sản) tham gia đóng góp ý kiến. Chỉ khi có sự giám sát từ ba bên, quá trình thiết kế, chọn vật liệu đến thi công, giám sát và nghiệm thu mới được đảm bảo.

“Sau bão Yagi, người sử dụng chung cư và đơn vị thi công cũng cần nâng cao ý thức về vấn đề an toàn bởi đây không phải trận bão cuối cùng”, ông Ánh nói.

Ban quản lý tuyên bố không chịu trách nhiệm, ban quản trị không trả lời, nhà chị Bích xác định tự sửa nhưng chưa sắp xếp được thời gian. “Chi 5-7 triệu đồng để làm lại trần thạch cao không lớn, song chúng tôi cũng được một phen hết hồn”, chị nói.

Chị Loan tiếp tục báo cáo ban quản lý tòa nhà sau khi biết vấn đề dột khó có thể tự xử lý. Lần này chị được trả lời nếu thấm do hệ thống chung, hộp kỹ thuật vào căn hộ hoặc do nứt kết cấu của tòa nhà, chi phí sẽ trích từ quỹ bảo trì bởi đã hết thời gian bảo hành. Trong các trường hợp khác (ví dụ cư dân tự sửa chữa mà để xảy ra thấm) chủ căn hộ phải chịu tự trách nhiệm.

“Tuy nhiên nếu muốn trích quỹ bảo trì của tòa nhà mà chi phí trên 50 triệu đồng cần có sự nhất trí của toàn bộ cư dân”, người đại diện nói.

Do không rõ ràng trong quy định và chưa thống nhất được các bên, gần một tháng qua căn hộ của nhà chị Loan và nhiều hộ khác vẫn trong tình trạng mưa là dột, tường ố mốc. Để có thể yên tâm ở, chị đang tìm thợ xử lý chống thấm bên trong dù biết chỉ là giải pháp tạm thời.

“Chúng tôi có xây nhà hay làm ngấm tường đâu mà bắt nhận trách nhiệm”, chị Loan nói.

Quỳnh Nguyễn – Phan Dương



Leave a Comment

0.0/5