Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Lao động nhập cư đổ xô đến Đông Á

Người phụ nữ Indonesia đã có 10 năm kinh nghiệm giúp việc ở Arab Saudi. Wahyuni vẫn còn bị ám ảnh bởi chủ cũ thường xuyên mắng nếu cô chậm chạp hoặc phạm lỗi nhỏ. Cô phải làm việc 19 tiếng mỗi ngày và không được sử dụng wifi.

Nhưng cơ hội kiếm 631 USD mỗi tháng ở Đài Loan rất hấp dẫn so với mức thu nhập 3,2 USD hàng ngày từ việc bán rau.

Thậm chí, nó cao hơn mức lương trung bình hàng tháng của người giúp việc ở Arab Saudi là 532 USD và Qatar 547 USD. Hồi tháng 5, Wahyuni đến Đài Bắc để chăm sóc một góa phụ 80 tuổi và con trai bị khuyết tật.

“Họ rất tử tế”, cô nhận xét.





Bà Wahyuni trò chuyện với gia đình bà ở Indonesia qua cuộc gọi video. Ảnh: CNA

Bà Wahyuni trò chuyện với gia đình bà ở Indonesia qua cuộc gọi video. Ảnh: CNA

Wahyuni nằm trong dòng nhập cư của lao động Indonesia ở các quốc gia Đông Á.

Ngân hàng Trung ương Indonesia thống kê có khoảng 208.000 người đến Đông Á làm việc năm 2017 nhưng con số này tăng vọt lên 447.000 vào nửa đầu 2024. Sự gia tăng thể hiện xu hướng lao động Indonesia dần dịch chuyển ra khỏi các quốc gia Trung Đông và hướng đến khu vực mới.

Dữ liệu phản ánh hiện có 946.000 người Indonesia ở Trung Đông sụt giảm so với mức 1,08 triệu người cách đây 7 năm. Trong khi đó lao động di cư ở Đài Loan và Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong cùng khoảng thời gian, đạt mốc 965.000 người trong năm nay.

Siti Nabila, 25 tuổi, là nhân viên cửa hàng tiện lợi ở Indonesia nhưng đang nộp đơn làm giúp việc ở Hong Kong và Đài Loan.

“Hàng xóm của tôi nói rằng chủ ở đó rất thân thiện, có thời gian nghỉ ngơi và mức lương cao”, cô nói.

Các chuyên gia xã hội học lý giải xu hướng xuất hiện khi mức lương ở các quốc gia Đông Á hấp dẫn, quyền lao động và cơ chế bảo vệ tốt hơn. Ví dụ như hồi tháng 8, Hàn Quốc đã triển khai chương trình thí điểm chào đón người lao động Philippines.

Trước đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã lưu ý các quốc gia Trung Đông không bảo vệ quyền lợi của người giúp việc. Chế độ bảo lãnh khiến quyền lợi của lao động nhập cư bị hạn chế.

“Nhiều người bị ngược đãi về thể xác, điều kiện sống khắc nghiệt hoặc phải làm việc hơn 18 tiếng mỗi ngày”, bà Anis Hidayah, ủy viên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia, nói.

Trong nhiều thập kỷ, Indonesia ghi nhận hàng trăm trường hợp lao động nhập cư bị tấn công tình dục hoặc ngược đãi về thể xác. Thậm chí, trường hợp nghiêm trọng đã dẫn đến tử vong và tàn tật.

Bà Surani, người đã làm việc ở Arab Saudi 25 năm, nói chủ cũ từng rất tốt cho đến khi người phụ nữ này gặp biến cố cuộc sống. Chồng ngoại tình và bỏ đi, cô xảy ra tranh chấp thừa kế gay gắt với chị em.

“Cô ấy trở nên nóng tính”, bà kể. Có lần, chủ nổi giận không lý do, ném chiếc đĩa vào Surani và dọa giết bà. Năm 2020, Surani từng bị nhốt hai tháng trong nhà, được cho ăn hai lát bánh mì mỗi ngày.

Bà trở về nước nhờ sự giúp đỡ từ lãnh sự quán Indonesia ở Jeddah (Arab Saudi). Ở trại tạm lánh, Surani gặp những người cùng tình trạng với mình, thậm chí còn tệ hơn. Họ bị liệt, người khác bị hất thuốc tẩy rửa vào mắt.

“Số lượng người lao động không có giấy tờ ở Trung Đông tăng vọt khiến họ dễ bị ngược đãi và lạm dụng”, bà Anis nói.

Điều này tương tự với lao động Philippines. Trong 5.000 trường hợp lao động bị ngược đãi vào năm 2020 thì có 4.300 trường hợp xảy ra ở Trung Đông.





Joy Rama ở nhà riêng thuộc tỉnh Rizal, Philippines. Ảnh: CNA

Joy Rama ở nhà riêng thuộc tỉnh Rizal, Philippines. Ảnh: CNA

Joy Rama, 31 tuổi, liên tục bị chủ mắng không lý do trong suốt một năm. Họ cáo buộc cô không làm tròn nhiệm vụ, ném đồ và vặn tay nữ giúp việc. Cô đã nhiều lần cầu xin chủ lao động cho trở về nhà. Tuy nhiên, khi họ quyết định cho cô đi, cả gia đình vây quanh bắt cô ký vào ở giấy chữ Ả rập.

“Tôi vẫn còn nợ hai tháng rưỡi tiền lương, có lẽ đó là nội dung của văn bản”, cô nói.

Trong khi đó, các quốc gia Đông Á đang lo lắng bởi dân số già, họ cần lao động nhập cư. Theo Hội đồng phát triển quốc gia Đài Loan, số lượng người trên 65 tuổi tăng gấp đôi lên 4,2 triệu người trong 22 năm. Họ sẽ đạt mốc xã hội siêu già vào năm 2025 với 23 triệu người.

Cùng thời điểm Indonesia tạm dừng gửi lao động di cư đến Trung Đông, Đài Loan bắt đầu tuyển dụng thêm người nước ngoài để chăm sóc nhóm dân số già đang gia tăng.

Mặt khác, Indonesia cũng là một trong những đối tác thương mại lớn của Đài Loan. Có 65% trong số khoảng 250.000 nhân viên phúc lợi xã hội, bao gồm người giúp việc và người chăm sóc ở Đài Loan là lao động Indonesia.

Tương tự, chính quyền Seoul đã lên kế hoạch đưa 500 chăm sóc viên người Philippines vào làm việc trong năm tới và tăng lên 1000 người vào năm 2028.

Những lao động này sẽ được trả mức lương tối thiểu 7 USD mỗi giờ. Với 40 giờ làm việc mỗi tuần, họ sẽ nhận được 1800 USD mỗi tháng, bao gồm bảo hiểm.

Ngọc Ngân (Theo CNA)



Leave a Comment

0.0/5