Họ là những học viên của lớp học may 0 đồng ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh của chị Quỳ. Xung quanh họ ngổn ngang những đống vải vụn, đợi các học viên “đã tốt nghiệp” đến lấy về may khẩu trang, dây cột tóc, hoặc miếng lót nồi. Chị Quỳ tiết kiệm để họ đỡ tiền vốn mua vải.
Khi người phụ nữ 70 tuổi may xong chiếc túi, Quỳ có 15 phút ăn cơm trước vào lớp học trực tuyến dành cho một người phụ nữ khác ở TP Thủ Đức.
“Họ đều là dân lao động, rảnh giờ nào học giờ đó, tôi không từ chối ai kể cả tối mịt. Biết đâu cái nghề này là cơ hội để họ nuôi gia đình”, chị Lại Thị Quỳ, 40 tuổi, nói.
Chị Quỳ quê huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cùng chồng và hai con vào TP HCM lập nghiệp năm 2012. Vợ chồng đều là công nhân, thuê trọ ở xã Phạm Văn Hai. Xóm này là nơi cư ngụ của hàng chục lao động tứ xứ, phân nửa là người Khmer.
Ba năm sau, Quỳ mang có khối u tuyến giáp và mang bầu sinh đôi nên nghỉ làm ở công ty chuyển sang may gia công ở nhà. Từ đây, chị hay gặp những đứa trẻ tóc cháy nắng chạy ngang, mặt mũi lấm lem, áo rách toạc bên vai.
“Mình thấy thương nhưng bản thân cũng nghèo, không giúp được gì”, Quỳ nói. Chị nhận sửa đồ miễn phí cho người già, trẻ con, dân lao động chị tính đồng giá 5.000 đồng.
Tháng 8/2020, chục người ở xóm Quỳ mắc Covid-19, trong đó có chị trở nặng. Ở phòng bệnh ngày thứ 9, Quỳ sốt cao kèm khó thở, đông máu bên thùy não phải. Chị mê man rồi ngất đi, bị bác sĩ tiên lượng xấu, đề nghị gia đình chuẩn bị hậu sự.
“Đầu óc tôi lúc đó như ở giữa màn sương”, Quỳ nhớ lại. “Giữa lằn ranh sinh tử, tôi ngẫm lại tháng năm cuộc đời, bỗng dưng thèm sống, ước mình có thể hoàn thành tâm nguyện giúp đỡ người khác”.
Chục ngày sau, cơ thể Quỳ có chuyển biến tích cực, chị dần hồi phục và được xuất viện.
Dịch đi qua cũng là lúc xóm nghèo đìu hiu, có người cháu mất bà nên bơ vơ, không ai chăm sóc, một số phụ nữ bỗng dưng trở thành trụ cột sau khi chồng ra đi vì Covid-19.
“Tôi không có nhiều vật chất để cho họ, ngẫm mình chỉ có cái nghề nên muốn truyền lại”, chị nói.
Giữa năm 2022, lớp học của Quỳ ra đời nhưng chỉ dám nhận vài học viên bởi chị chỉ có hai máy may. Lứa học trò đầu là hai chị em 18 và 21 tuổi thất nghiệp, ba làm thợ hồ, mẹ vừa qua đời trong đại dịch.
Họ được Quỳ hướng dẫn từ cơ bản như làm quen vải, phấn, bàn là đến cắt may, ráp áo. Sau hai tháng, họ ra nghề và xin việc làm công nhân ở xã Phạm Văn Hai.
Người tìm đến lớp học nghề miễn phí ngày càng đông, chị phải chia ca trải đều sáng, trưa và tối. Hội phụ nữ xã Phạm Văn Hai nhận thấy mô hình ý nghĩa cho xã hội nên hỗ trợ thêm bốn máy may.
Cùng năm đó, chị nhận thêm chục học viên, đều là phụ nữ trung niên, đơn thân nuôi con, người mắc bệnh hiểm nghèo, bán hàng rong, có thu nhập bấp bênh. Một số người đi bán cả ngày, bận chăm sóc con cái nên đến 22h mới gõ cửa nhà Quỳ, xin vào học. Chị vẫn đón họ.
Đông học viên hơn đồng nghĩa quỹ thời gian của chị bị thu hẹp. Quỳ vẫn phải may sản phẩm của mình, cộng thêm dạy nghề nên có hôm làm việc 10-12 tiếng, suýt ngất, phải đi truyền nước.
Rút kinh nghiệm, Quỳ sử dụng mô hình “cuốn chiếu”, tức học viên trước lành nghề sẽ kèm người mới vào. Những người ở TP Thủ Đức, Long An hoặc Đồng Nai, chị nhận dạy nghề trực tuyến để đỡ thời gian họ di chuyển.
Qua hai năm, lớp của Quỳ đã đào tạo 40 thợ may lành nghề, trong đó có bà Hoa, 70 tuổi. Người phụ nữ gõ cửa nhà Quỳ sau khi được hàng xóm giới thiệu. Bà có con khuyết tật nhẹ và làm công nhân, bản thân thất nghiệp chỉ ở nhà trông cháu.
Ngày đầu, bà Hoa mắt kém, tay run nên không thể xỏ kim, Quỳ làm giúp rồi hướng dẫn bà vài đường may cơ bản. Bà mất hơn ba tháng để ráp, khâu thành thục và hoàn thành sản phẩm đầu tiên.
“Mỗi lần ngẩng lên thấy người phụ nữ tóc bạc chăm chú bên xấp vải, tôi cảm thấy xúc động”, Quỳ nói. “Ít ra việc mình cố gắng có ý nghĩa, bao nhiêu mệt nhọc như đi đâu hết”.
Tiệm may nhỏ của Quỳ dần trở thành tổ may gia công, chị đứng ra nhận đơn hàng cho chục học viên thực hiện.
Bà Lê Thị Ngọc Bình, chủ tịch Hội phụ nữ xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, cho biết lớp may miễn phí của chị Quỳ đã góp phần giúp nhiều chị em trên địa bàn có thêm sinh kế. Một số phụ nữ không có việc làm, ở nhà chăm sóc con cái, cuộc sống khó khăn đã được dạy nghề và giới thiệu nguồn hàng.
Phía hội đã hỗ trợ chị hai đợt, đợt năm 2022 bốn máy may và đầu 2024 thêm hai máy để phục vụ việc dạy nghề. “Chị Quỳ tuy không khá giả nhưng rất có tấm lòng, xông xáo với các hoạt động thiện nguyện địa phương”, bà Bình nhận xét.
Cuối năm ngoái, Quỳ mua con heo đất lớn để chục thành viên trong tổ may góp quỹ. Mỗi khi có thu nhập, họ trích một ít bỏ vào quỹ, số tiền sẽ dành để hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hoặc nấu bữa ăn miễn phí.
“Đó cũng là cách tôi cảm ơn cuộc đời cho tôi tiếp tục được sống”, Quỳ nói.
Ngọc Ngân