“Đơn hàng của chúng tôi năm nay tương đồng hoặc tăng nhẹ so với 2023 chứ chưa bằng hồi 2022”, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch hội đồng quản trị Lâm Việt cho biết.
Đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (Bifa), ông Liêm nói tình hình chung của các doanh nghiệp tại địa phương cũng tương tự. Lượng đơn hàng đến nay ổn định song chưa thể so với 2022, khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kỷ lục 16,9 tỷ USD.
Để phá đỉnh này, ngành gỗ nội thất từng đặt mục tiêu kim ngạch 17,5 tỷ USD vào 2023 nhưng kết quả chỉ xuất khẩu được 14,3 tỷ USD. Sang 2024, mục tiêu này lần nữa được đề ra. Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng tình hình đơn hàng cả năm 2024 có thể khoảng 70-80% của 2022.
Cùng dự báo, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho rằng kim ngạch cả năm có thể vào khoảng 14,5-15 tỷ USD. “Giờ ngành gỗ tương đối ổn định nhưng phong độ cũng đang ở mức của năm 2019”, ông đánh giá. Vào năm đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,33 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về 12,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2023, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trừ Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ, các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu vẫn duy trì đà tăng tốt.
Tuy nhiên, thu về 5 tỷ USD trong 3 tháng cuối khó đạt được khi nội lực chưa hoàn toàn khỏe và nhu cầu thế giới khó lường. Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo hoạt động sản xuất ngành gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý cuối năm. Nguyên nhân bởi bão Yagi khiến 170.000 ha rừng trồng tại các tỉnh thành phía Bắc thiệt hại. Nhiều nhà xưởng chế biến khu vực này cũng bị hư hỏng nặng
Ở phía Nam, ông Nguyễn Liêm cho biết sự phục hồi thực chất cũng không đều giữa các doanh nghiệp. “Doanh nghiệp FDI có phần tốt hơn, nhóm nội địa có công ty hoạt động thuận lợi và cũng còn đơn vị gặp khó”, ông cho hay.
Ông Nguyễn Chánh Phương cho hay thị trường Mỹ – vốn chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu – vẫn còn yếu tố khó lường. “Thị trường Mỹ luôn gây ‘hồi hộp’, nhất là phải theo dõi diễn biến cuộc bầu cử Mỹ tháng sau. Ngoài ra, đình công nổi lên ở khu vực Bờ Đông có thể làm cước tàu biển tăng, khiến khách mua chậm thanh toán tiền hàng hơn”, ông nói.
Chín tháng qua, người Mỹ chi 5,9 tỷ USD mua đồ gỗ nội thất “made in Vietnam”, tăng gần 25% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, ông Liêm lưu ý các mặt hàng chất lượng trung bình và rẻ được tiêu thụ tốt hơn. “Người Mỹ giờ cũng thắt lưng buộc bụng nên sản phẩm thiết yếu được họ ưu tiên hơn”, ông nói.
Để mở rộng đầu ra, một số doanh nghiệp đang chủ động thích ứng với các xu thế mới. Chủ tịch Bifa cho hay một số doanh nghiệp Bình Dương bắt đầu tự thiết kế sản phẩm đi chào khách hàng. Số khác chủ động bán lẻ thêm qua các kênh thương mại điện tử thay vì chỉ xuất sỉ. “Thương mại có nhiều thay đổi, bên nào thích ứng được thì tăng trưởng. Nhưng tỷ lệ này cũng chưa nhiều”, ông nói.
Giải pháp lớn hơn được chuyên gia trong ngành vận động là quay về đáp ứng nhu cầu nội địa. Đến nay, thị trường này hầu như còn bỏ ngỏ, manh mún và chiếm lĩnh bởi hàng nhập khẩu hoặc chỉ được các đơn vị sản xuất nhỏ phục vụ.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA Corporation ước tính thị trường nội thất tại Việt Nam – gồm đồ gỗ, đồ nội thất khác và vật liệu xây dựng phục vụ không gian trong nhà – có quy mô không dưới 10 tỷ USD.
“Thị trường nội địa còn tiềm năng lớn. Với 100 triệu dân và tầng lớn trung lưu ngày càng phát triển thì có khả năng hỗ trợ rất tốt cho các nhà sản xuất và hậu phương cho xuất khẩu”, ông Khanh nhận định.
Nhìn thấy triển vọng này, lần đầu tiên Hawa bắt tay cùng Hiệp Hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng (SACA) để tổ chức Triển lãm Nội thất & Xây dựng Việt Nam 2024 (VIBE Expo) tại TP HCM từ 2/10 đến 5/10 nhằm kết nối hệ sinh thái nội thất & xây dựng. Có 150 đơn vị triển lãm tham gia, với 500 gian hàng, chủ yếu để tìm cơ hội ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, cuộc quay về chỉ mới bắt đầu. Đồng thời là Trưởng ban tổ chức VIBE Expo, ông Khanh nói hành trình “tất nhiên không dễ”. Bởi lẽ, thay vì sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng, thậm chí với mẫu mã có sẵn, phục vụ nội địa đòi hỏi nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, khả năng tiếp thị và nhất là hệ thống phân phối.
Theo PGS. TS. TKS Vũ Hồng Cương, Phó chủ tịch Hiệp hội Nội thất Việt Nam, thị trường trong nước đến nay vẫn vắng bóng thiết kế lẫn thương hiệu nội địa lớn, để lại dấu ấn riêng, dù tiềm năng cao.
Phân khúc cao cấp chủ yếu đang nhập khẩu sản phẩm châu Âu. Nhóm đồ nội thất trung và bình dân vẫn “loay hoay” nguồn cung và phong cách. “Chúng tôi rất muốn tiến tới xây dựng phong cách nội thất Việt Nam chứ hiện còn khá mờ nhạt. Thị hiếu thích hàng nhập khẩu vẫn còn lớn trong người tiêu dùng”, ông Cương nêu bài toán cần giải quyết.
Viễn Thông