Do không đạt được thỏa thuận, Công ty TNHH thương mại và vận tải Phương Anh gửi đơn kiện Công ty Cổ phần vận tải biển Vinafaco. Vụ án “bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển” được TAND huyện Thanh Trì thụ lý hồi tháng 7 và tổ chức hòa giải lần đầu hôm 9/9.
Đơn kiện thể hiện, ngày 1/1/2019, Công ty Phương Anh ký Hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Công ty Vinafaco. Vinafaco có trách nhiệm bố trí đầy đủ phương tiện vận tải, vỏ container, có mặt tại nơi đóng hàng đúng thời gian; giao hàng đúng tiến độ; vận chuyển hàng hóa từ kho đến kho an toàn…
Công ty Phương Anh cũng ký Hợp đồng bảo hiểm 100% CIF với Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (CIF là trị giá hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của nước nhập khẩu, theo Thông tư 05/2018/TT-BCT).
8h ngày 20/12/2023, tàu của Vinafaco vận chuyển 15 container chứa 45 ôtô mới nguyên chiếc của Phương Anh rời Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng), đích đến là cảng Bến Nghé (TP HCM).
12h ngày 22/12/2023, tàu cập cầu Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để dỡ và xếp hàng và 17h30 cùng ngày tiếp tục hành trình. Khoảng 21h tối đó, khi di chuyển qua Cù Lao Chàm, 37 container rơi xuống biển. Trong số này có 14 container của Công ty Phương Anh, ngoài ra một container cũng bị xô lệch, móp méo.
3 ngày sau, phía Phương Anh gửi thông báo tổn thất, yêu cầu Vinafaco bồi thường hơn 37 tỷ đồng cho 42 ôtô bị chìm, hiện chưa tìm thấy và 3 chiếc bị hư hỏng nặng trong contaner còn lại.
Công ty Phương Anh sau đó khởi kiện với lý do chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ Vinafaco. Nguyên đơn yêu cầu được bồi thường thiệt hại cùng lãi chậm trả, tổng cộng hơn 38 tỷ đồng.
Tranh cãi về nguyên nhân rơi container
Theo đơn kiện, cùng ngày xảy ra tai nạn, nguyên đơn đã yêu cầu Bảo Việt tổ chức giám định nguyên nhân, mức độ tổn thất. Công ty Giám định Phương Bắc Hà Nội (Nori Hà Nội) thực hiện việc này.
Trong giám định sơ bộ vào tháng 12/2023, Nori Hà Nội đánh giá tình trạng tàu của Vinafaco, các thiết bị để cố định “có tình trạng han gỉ cũ, hư hỏng biến dạng nặng, các chốt khóa gù bị biến dạng hư hỏng, các thanh giằng/tăng đơ chằng bị biến dạng nặng, đứt rời”.
Ngày 8/5/2024, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ có văn bản xác minh tình hình thời tiết tại các địa điểm rơi container gửi Nori Hà Nội, cho hay khu vực “chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, trời đều nhiều mây có lúc có mưa, không xuất hiện dông, gió hướng đông bắc ở khoảng cấp 6 cấp 7, giật cấp 8; độ cao sóng dao động trong khoảng 3-5m”.
Trong giám định lần hai vào tháng 5 vừa qua, Nori Hà Nội cho rằng với tình trạng thời tiết trên, hiện tượng lắc ngang mạnh, một số thiết bị chằng buộc có thể xảy ra tình trạng kém, giảm khả năng chịu lực kéo giãn, không còn phù hợp để đảm bảo giữ cố định các khối liên kết container trên boong. Đến thời điểm sự cố, các lực tổng hợp đã phá vỡ khả năng chịu tải của các thiết bị chằng buộc. Điều này đã khiến cho hàng hóa bị xê dịch dẫn tới cấu trúc của khối container bị phá vỡ và gây ra sự cố rơi contaner.
Đơn vị này do đó kết luận nguyên nhân dẫn đến tổn thất đối với lô hàng “do thiết bị chằng buộc container trên tàu có tình trạng kém, không đảm bảo việc chằng giữ an toàn cho hàng hóa khi tàu hành trình trong điều kiện thời tiết có sóng gió cấp 6, cấp 7”.
Trong buổi hòa giải ngày 9/9 vừa qua tại TAND huyện Thanh Trì, nguyên đơn cho rằng lỗi thuộc về các điều kiện tàu và container của Vinafaco không đảm bảo; tiếp tục bảo lưu quan điểm yêu cầu bồi thường.
Còn bị đơn cho rằng cho rằng nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất do “thiên tai bất khả kháng”. Bị đơn dẫn báo cáo giám định của Công ty Giám định và Kiểm định Vietcontrol, kết luận về nguyên nhân “do thiên tai bất khả kháng”.
Vinafaco nêu Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phát hành văn bản xác minh tình hình thời tiết cho khu vực xảy ra sự cố. Theo đó, “từ 19h00 ngày 22 đến 7h ngày 23/12/2023 có mưa, mưa vừa. Gió đông bắc cấp 6-7, độ cao sóng dao động trong khoảng 1.75-4m. Nếu hiện tượng gió mạnh, sóng lớn… gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế – xã hội tại địa điểm nêu ở trên thì được gọi là thiên tai”.
Thuyền trưởng tàu của Vinafaco cũng trình bày lại diễn biến thời tiết xấu trong đêm xảy ra tai nạn và khẳng định ông và tất cả thuyền viên “đã áp dụng tất cả các biện pháp” đảm bảo an toàn cho thuyền viên, tàu, hàng hóa nhằm hạn chế tối đa tổn thất xảy ra. “Tuy nhiên sự cố là bất khả kháng”, thuyền trưởng nêu quan điểm.
Hôm 9/9, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng được tòa đưa vào vụ án với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do cả nguyên đơn và bị đơn đều có hợp đồng bảo hiểm với công ty này.
Nguyên đơn cho hay trong buổi làm việc hồi tháng 5, Bảo Việt nêu quan điểm, nguyên nhân dẫn đến sự cố “không thuộc rủi ro được bảo hiểm”. Bảo Việt cho biết sẽ có văn bản trả lời Công ty Phương Anh về việc có bồi thường hay không, song hiện vẫn chưa phản hồi.
Tòa dự kiến sau ngày 24/9 sẽ thông báo lịch buổi hòa giải thứ hai.
Theo Báo cáo xác minh sự cố của Cảng vụ Hàng hải TP HCM, hàng hóa chở trong các container bị rơi xuống biển là ôtô mới, không có lượng dầu hay nhiên liệu, hàng điện tử, phụ tùng, giấy, gạch… Vì vậy, không có yếu tố gây ô nhiễm môi trường.
Cơ quan này phân loại đây là tai nạn hàng hải “ít nghiêm trọng” và đề xuất Cục Hàng hải không điều tra sự cố này.
Nguyên đơn cho rằng cần xác định đây là sự cố hàng hải nghiêm trọng, do trong 37 container bị chìm có nhiều ôtô điện, không chỉ hàng của Công ty Phương Anh mà của các doanh nghiệp khác, với tổng khối lượng pin trên 10 tấn. Trong số này, theo họ, phần lớn là pin lithium, là loại hóa chất độc hại, khi rơi xuống biển làm rò rỉ hóa chất nguy hiểm cho môi trường.
Công ty Phương Anh cho rằng nội dung này chưa được Cảng vụ TP HCM làm rõ trong báo cáo xác minh sự cố. Nguyên đơn do đó kiến nghị điều tra, xác định nguy cơ ô nhiễm môi trường đòng thời buộc Vinafaco trục vớt các container đã rơi xuống biển để giảm ô nhiễm.
Thanh Lam