Phó tổng thống Kamala Harris đang đứng trước bước ngoặt cuộc đời với cơ hội trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử. Bà chỉ bắt đầu tham gia đường đua từ hồi tháng 7, nhưng đã nhanh chóng san bằng cách biệt về tỷ lệ ủng hộ với cựu tổng thống Donald Trump, vực dậy niềm tin bên trong đảng Dân chủ.
Khi chiến dịch tranh cử dần khép lại, nhiều người bắt đầu tự hỏi liệu nhiệm kỳ tổng thống của Harris sẽ tác động thế nào tới thế giới và sẽ khác biệt ra sao so với 4 năm Tổng thống Joe Biden dẫn dắt nước Mỹ.
Biden là một trong những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất về chính sách đối ngoại từng giữ chức tổng thống Mỹ. Ông đã phục vụ 30 năm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, sau đó có hai nhiệm kỳ lãnh đạo các sáng kiến chính sách đối ngoại quan trọng với tư cách phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama.
Với tư cách người đứng đầu Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh trên toàn thế giới. Ông tái khẳng định lập trường ủng hộ của Mỹ đối với NATO và Ukraine, ký kết hiệp ước AUKUS với Anh và Australia, đồng thời củng cố nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chính quyền Biden cũng khởi động Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm phát triển quan hệ đối tác kinh tế giữa Mỹ và 13 nước ở châu Á và Thái Bình Dương, qua đó giúp Washington tái liên kết với khu vực sau khi cựu tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2017.
Trong khi đó, bà Harris bước vào Nhà Trắng với rất ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Với tư cách Phó tổng thống, bà không ngừng học hỏi từ công việc, đặc biệt là thông qua các chuyến công du đến hơn 20 quốc gia cũng như các cuộc gặp gỡ với hơn 150 lãnh đạo thế giới.
Thực tế cho thấy quan điểm chính sách đối ngoại của Harris khá tương đồng với cách tiếp cận theo chủ nghĩa quốc tế mà Tổng thống Biden theo đuổi, song tiến bộ hơn ở một số lĩnh vực.
Bà coi các thể chế và chuẩn mực toàn cầu do Mỹ dẫn dắt sau Thế chiến II là thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất mà đất nước đạt được và đã cảnh báo về những lời kêu gọi Mỹ thu hẹp các cam kết của mình trên trường quốc tế.
Trong thời gian làm Phó tổng thống, Harris đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hơn 10 lần. Bà thay mặt Tổng thống Biden tại ba Hội nghị An ninh Munich thường niên, một trong những hội nghị thượng đỉnh an ninh quốc tế quan trọng nhất.
Tại hội nghị năm nay, bà cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine “cho đến chừng nào còn cần thiết”.
Theo một số nguồn tin, Phó tổng thống cũng đã giúp đàm phán thỏa thuận trao đổi tù nhân mang tính bước ngoặt hồi tháng 8 giữa Mỹ và Nga trong cuộc họp kín với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị An ninh Munich năm nay.
Harris mô tả NATO là “liên minh quân sự vĩ đại nhất mà thế giới từng biết”, kiên quyết phản bác lại lời đe dọa của Trump rằng nếu đắc cử, ông sẽ rút Mỹ khỏi khối này.
Không có gì ngạc nhiên khi Harris đặt nhiều ưu tiên đối ngoại giống Tổng thống Biden, trong đó có cam kết mạnh mẽ của ông với các đồng minh Mỹ ở châu Á.
Tuy nhiên, với tư cách cấp phó của Biden, Harris vẫn tạo ra được chỗ đứng riêng trong các vấn đề đối ngoại. Ví dụ, bà đã dành thời gian cho những mối quan hệ mà Mỹ từng không dành nhiều sự chú ý ở Đông Nam Á. Bà thay mặt Tổng thống Biden dự nhiều hội nghị thượng đỉnh khu vực, như các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Mỹ – ASEAN hồi năm 2023.
Harris cũng thay mặt Biden tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2022 và có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong vấn đề Gaza, bà được nhận xét là có cách tiếp cận “đồng cảm” hơn so với ông Biden. Harris là một trong những tiếng nói cấp cao đầu tiên trong chính quyền kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza hồi tháng 3. Bà mô tả số người dân thường thiệt mạng ở Gaza là một “thảm họa nhân đạo”.
Ở hậu trường, bà được cho là đã thúc giục Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn hơn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Với tư cách tổng thống, Harris có thể thể sẽ công khai chỉ trích Thủ tướng Netanyahu mạnh mẽ hơn so với người tiền nhiệm. Tổng thống Biden đến nay cho thấy ông là người bảo vệ Israel một cách quyết liệt hơn những gì một đảng Dân chủ cấp tiến mong muốn.
Sau khi gặp Thủ tướng Netanyahu ở Washington hồi cuối tháng 7, Phó tổng thống đã phát biểu rằng “chúng ta không thể để mình trở nên tê liệt trước nỗi đau khổ và tôi sẽ không im lặng”.
Thương mại là một lĩnh vực khác mà Harris có thể không đồng nhất với Tổng thống Biden. Bà đã bày tỏ hoài nghi về thương mại tự do kể từ khi chạy đua vào Thượng viện năm 2016. Trong cuộc đua đó, bà phản đối TPP, lúc bấy giờ là một thành tựu mang tính bước ngoặt của chính quyền Obama – Biden.
Harris phủ nhận bà là một “đảng viên Dân chủ theo chủ nghĩa bảo hộ” trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Tuy nhiên, bà cho biết sẽ không bỏ phiếu cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và cảm thấy TPP không bảo vệ đầy đủ cho người lao động Mỹ hoặc các tiêu chuẩn về môi trường.
Nhưng điều này cũng có thể là lý do khiến chính quyền Harris không chia rẽ về các vấn đề thương mại như chính quyền Biden. Ví dụ, tương lai Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang bị nghi ngờ do lo ngại của đảng Dân chủ rằng nó sẽ gây tổn hại đến người lao động Mỹ, điều này tương đồng với những chỉ trích từ Phó tổng thống Harris về các hiệp định thương mại khác.
Dù Harris bắt đầu với một nền tảng chính sách đối ngoại không quá dày dạn, trong thời gian làm phó tổng thống, bà đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm thực tế. Nhưng bước vào vai trò tổng thống sẽ là cơ hội để bà ghi dấu ấn của riêng mình thông qua chính sách đối ngoại và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Song nếu Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây, thế giới nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự tiếp nối hơn là thay đổi, giới quan sát dự đoán.
Vũ Hoàng (Theo Conversation, AFP, Reuters)