Mẹ đẻ của Robert Calabretta đã đến chùa ba lần để cầu siêu cho đứa con trai yểu mệnh. Nhưng trên thực tế, Calabretta đã bị đưa đến Mỹ làm con nuôi, với hồ sơ được mô tả là “con của một bà mẹ không chồng, khỏe mạnh, bình thường”.
Phần lớn thời gian trong đời, người đàn ông gốc Hàn 34 tuổi này đinh ninh rằng mẹ đã bỏ rơi và gửi anh đến Mỹ cho những người xa lạ, cho đến khi anh phát hiện những bất thường trong hồ sơ cho nhận con nuôi của mình.
Calabretta là một nạn nhân trong “cỗ máy xuất khẩu trẻ em” đã đưa khoảng 200.000 em bé Hàn Quốc đến các gia đình ở Mỹ, châu Âu, Australia làm con nuôi từ những năm 1950.
Các phóng viên AP đã phỏng vấn 80 con nuôi gốc Hàn, xem xét hàng nghìn trang tài liệu, phát hiện nhiều trường hợp tương tự Calabretta. Những đứa trẻ bị gửi ra nước ngoài sau khi giới chức thông báo với bố mẹ ruột rằng con họ “chết non do bệnh lúc mới chào đời”, hoặc bị bắt cóc, mất tích.
Chính phủ Hàn Quốc từ chối trả lời câu hỏi về vấn đề này, cho biết một ủy ban sẽ điều tra kỹ lưỡng. Tuy nhiên, Bộ Y tế Hàn Quốc thừa nhận số lượng con nuôi gửi đến các nước phương Tây tăng vọt những năm 1970 -1980 có thể nhằm mục đích cắt giảm chi tiêu cho phúc lợi xã hội.
Chương trình đưa con nuôi ra nước ngoài của Hàn Quốc bắt đầu lúc quốc gia này vực dậy sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi Mỹ tiếp nhận trẻ em lai là con rơi của phụ nữ Hàn Quốc và binh sĩ được Lầu Năm Góc cử đến tham chiến.
Hàn Quốc khi đó dựa vào các cơ quan điều phối cho nhận con nuôi tư nhân để guồng máy này hoạt động, mang lại hàng triệu USD cho nền kinh tế, trong khi không cần phải xây dựng các chương trình phúc lợi trẻ em vốn rất tốn kém.
Các nước phương Tây thời kỳ này cũng áp dụng rộng rãi biện pháp tránh thai, phá thai, khiến số trẻ em có thể được nhận nuôi giảm mạnh. Nhu cầu của hai bên giao nhau, khi các cặp vợ chồng hiếm muộn ở những nước giàu muốn có con, còn Hàn Quốc muốn giảm bớt gánh nặng dân số bùng nổ thời kỳ hậu chiến, lúc nền kinh tế còn khó khăn.
Lúc hầu hết con lai đã được đưa ra nước ngoài, các chương trình cho con nuôi bắt đầu nhắm vào những gia đình nghèo, hoặc những người mẹ trẻ sinh con ngoài giá thú.
Năm 1974, Triều Tiên cáo buộc chính quyền tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee “bán trẻ em ra nước ngoài như động vật”. Hàn Quốc ban đầu tìm cách ngăn hoạt động cho con nuôi tới các nước phương Tây, nhưng dưới áp lực ngoại giao của các nước, những đứa trẻ tiếp tục được “xuất khẩu” ra nước ngoài.
Theo lời các cựu nhân viên, loạt cơ quan điều phối tư nhân đã đổ nguồn lực để “lùng sục, tìm kiếm ‘trẻ em mồ côi’ khắp mọi ngóc ngách của đất nước”. Một cựu nhân viên làm việc cho một cơ quan điều phối cho nhận con nuôi từ năm 1979-1984 cho biết các tổ chức này không có quy trình hay nỗ lực nào để xác minh lý lịch “trẻ mồ côi”.
Tài liệu do AP thu thập cho thấy các nhân viên Holt Children’s Services, cơ quan điều phối cho nhận con nuôi lớn nhất Hàn Quốc thời kỳ đó, từng nói với các phụ huynh Hàn Quốc rằng con cái họ sẽ được chăm sóc tốt trong những gia đình phương Tây, có thể “trở nên giàu có, đỗ đạt” rồi về nhà.
Điều tra của AP còn cho thấy giới chức Hàn Quốc đã điều chỉnh luật để phù hợp với luật Mỹ, giúp quá trình cho nhận con nuôi đến các nước phương Tây nhanh chóng, thuận lợi hơn, loại bỏ các biện pháp giám sát, bảo vệ tối thiểu của giới tư pháp.
“Không đủ trẻ mồ côi hợp pháp để đáp ứng nhu cầu của phương Tây, dẫn đến rất nhiều sai phạm, thỏa hiệp ở những cơ quan lớn. Các tổ chức này ra sức tìm thêm trẻ em, cử nhân viên thao túng tâm lý phụ huynh, khiến họ cảm thấy có lỗi, ích kỷ khi nuôi con trong nghèo đói, không đủ khả năng chăm sóc”, Francis Carlin, lãnh đạo Dịch vụ Cứu trợ Công giáo Hàn Quốc thời kỳ đó, nói.
Đến những năm 1980, các cơ quan điều phối gần như “mua” trẻ em trực tiếp từ bệnh viện, nhà hộ sinh, những nơi giới chức sau này đã phát hiện các khoản thanh toán bất hợp pháp liên quan để trẻ sơ sinh. Nhân viên các bệnh viện này bị cáo buộc làm giả hồ sơ “trẻ chết non” hoặc gây sức ép lên các bà mẹ trẻ để họ chấp nhận từ bỏ con.
Với danh nghĩa “cứu vớt các em khỏi trại mồ côi”, các tổ chức điều phối hoạt động cho nhận con nuôi gốc Hàn đã gửi đi hơn 4.600 trẻ em từ các bệnh viện trong năm 1988, chiếm 60% tổng số trẻ bị đưa ra nước ngoài.
Kiểm toán chính phủ năm 1989 cho thấy Holt Children’s Services đã thực hiện gần 100 khoản thanh toán bất hợp pháp cho các bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 1988. Đây là cơ quan đã gửi khoảng 1/2 số trẻ em Hàn Quốc ra nước ngoài từ những năm 1950.
“Trong khi đó, hồ sơ từ 1980-1987 cho thấy hơn 90% con nuôi gốc Hàn được gửi đến phương Tây gần như chắc chắn có họ hàng, đủ cha mẹ”, Philsik Shin, chuyên gia tại Đại học Anyang, nói, cho biết thêm số trẻ được gửi đi làm con nuôi năm 1985 cao gấp 10 lần số trẻ bị bỏ rơi do cảnh sát thống kê cùng kỳ.
Việc ghi trong hồ sơ là trẻ bị bỏ rơi giúp cơ quan điều phối không cần xin giấy từ bỏ quyền nuôi con từ các ông bố bà mẹ, Helen Noh, cựu nhân viên Holt Children’s Service, giải thích.
Bà Noh, hiện là chuyên gia Đại học Soongsil, cho hay từng đưa hàng trăm trẻ Hàn Quốc đến các gia đình Mỹ vào năm 1981-1982, phần lớn được thực hiện dưới dạng “trẻ bị bỏ rơi”. Mỹ, quốc gia nhận nhiều con nuôi Hàn Quốc nhất, chưa bình luận về thông tin.
Bà Noh cho biết với mỗi đứa trẻ được gửi đi, các gia đình phương Tây sẽ trả cho cơ quan điều phối khoảng 3.000 USD. “Lương của tôi khi đó chưa đến 200 USD/tháng. Nói cách khác, số tiền cơ quan nhận trên mỗi trẻ gửi đi có thể trả lương hơn một năm cho một nhân viên”.
Điều tra của AP cho thấy các cơ quan điều phối có thể còn tính phí cao hơn, khoảng 4.000-6.000 USD, trong khi nhân viên cạnh tranh nhau để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của từng gia đình phương Tây, như phải nhận cùng lúc hai anh chị em ruột.
Chính phủ Hàn Quốc đã trấn áp ngành công nghiệp cho nhận con nuôi khi đăng cai Thế vận hội năm 1988, thời điểm thế giới chỉ trích hoạt động này là “buôn bán trẻ em và là nỗi xấu hổ của Hàn Quốc”.
Bộ Y tế nước này đã chỉ thị cho các cơ quan điều phối cho nhận con nuôi phải “cải thiện hoạt động”, ngừng “tham quan” các bệnh viện, nhà hộ sinh, trại mồ côi để tập hợp trẻ em, nếu không sẽ đối diện án phạt.
Số lượng trẻ em được nhận nuôi từ đó giảm mạnh, nhưng hàng trăm nghìn trẻ như Robert Calabretta đã phải dành gần như cả cuộc đời ở nước ngoài.
Khi những vụ kiện, trình báo về làn sóng “xuất khẩu trẻ em” ở Hàn Quốc xuất hiện ngày một nhiều, Calabretta ngày càng hoài nghi về nguồn gốc của mình. Anh tin rằng mình đã không được “cứu vớt”, mà đã bị tước đoạt khỏi vòng tay bố mẹ, và anh quyết tâm tìm lại họ.
Sau khi có thông tin về bố mẹ ruột và biết được sự thật, anh đã liên hệ với họ. “Bố nhớ con lắm. Sao con phải chịu đựng thế giới tàn khốc này?”, Lee Sung-soo, bố anh, viết trong thư khi phát hiện con trai mình còn sống ở Mỹ.
Năm 2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Calabretta đáp chuyến bay về Hàn Quốc. Hạ cánh xuống Seoul, nước mắt anh chảy dài trên má khi sắp gặp lại bố mẹ ruột sau hơn ba thập kỷ xa cách.
Ông Lee Sung-soo đã không thể chờ hết thời gian cách ly hai tuần của con, tìm đến căn hộ anh thuê ngay hôm sau.
Nhìn thấy ông, Calabretta mở tung cửa sổ. “Bố ơi!”, anh hét lớn.
“Ôi con trai tôi!”, ông Lee òa khóc.
Sau 34 năm, mẹ của Calabretta vẫn giữ chiếc khăn từng mang tới bệnh viện, dự định để bọc và ẵm anh về nhà sau khi sinh. Anh nhờ mẹ đặt tên lại cho mình. Hàn Quốc quan niệm mọi thứ không phải của bạn cho đến khi bạn đặt tên cho nó. Một khi đặt tên, bạn phải có trách nhiệm.
Calabretta đã đổi sang tên mới do mẹ đặt. Trả lời AP, Calabretta cho biết từ khi đoàn tụ với gia đình, anh tự hào được gọi bằng tên “Hanil Lee”.
Đức Trung (Theo AP, CNN, Korea Herald, Korea Times)