Trang tổng hợp dữ liệu hàng nghìn trạm đo chất lượng không khí trên toàn thế giới IQAir vào 10h30 sáng 19/11 xếp New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 468, chỉ số bụi mịn PM2.5 là 329µg/m³. Các hạt bụi mịn trong không khí có thể xâm nhập vào phổi, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Cơ quan kiểm soát ô nhiễm Ấn Độ ngày 18/11 cho biết AQI 24 giờ qua ở New Delhi là 484, xếp vào mức “nghiêm trọng+” là mức cao nhất đo được trong năm nay. Theo Hội đồng Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ, chỉ số AQI trong ngưỡng an toàn là 0-50.
Khói mù bao trùm các tượng đài, cao ốc ở thủ đô Ấn Độ sáng đầu tuần, làm giảm tầm nhìn và buộc các hãng hàng không phải lùi giờ bay. Ở một số khu vực trong thành phố, mức độ ô nhiễm cao hơn 50 lần so với ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Chính quyền New Delhi ngày 18/11 bắt đầu thực thi kế hoạch ứng phó ô nhiễm cấp 4 (Grap 4), cho tất cả học sinh nghỉ học, học sinh lớp 10 đến lớp 12 học trực tuyến, cấm xe tải vào thành phố trừ xe chở hàng hóa thiết yếu.
Xe cơ giới loại cũ chạy bằng dầu diesel bị cấm vào thành phố, dừng mọi hoạt động thi công xây dựng. Trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính hoặc bệnh hô hấp được khuyến cáo ở trong nhà, tránh ra đường.
Ô nhiễm không khí ở miền bắc Ấn Độ gia tăng hàng năm, đặc biệt vào mùa đông, thời điểm nông dân đốt rơm rạ. Khói rơm rạ bị giữ lại trong không khí vì thời tiết lạnh, sau đó tràn vào thành phố, cộng với khí thải xe cơ giới đẩy nồng độ ô nhiễm lên cao. Khí thải công nghiệp và nhiệt điện than cũng làm tăng mức ô nhiễm trong những tuần gần đây.
Bất chấp ô nhiễm, nhiều người dân New Delhi vẫn giữ thói quen hàng ngày như đi dạo buổi sáng.
“Ai cũng viêm họng”, Sanjay Goel, 51 tuổi, người bán hàng, nói. “Họ nên cấm đốt rơm rạ. Khói bay khắp nơi”.
Trên mạng xã hội, người ta liên tục than phiền về các chứng ho khan, đau đầu do ô nhiễm không khí. Họ so sánh New Delhi là “phòng hơi ngạt”, hay “nơi tận thế”, đồng thời kêu gọi giới chức giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Một số nghiên cứu ước tính mỗi năm Ấn Độ ghi nhận hơn một triệu người chết vì các bệnh liên quan ô nhiễm không khí.
Giới chức đã áp dụng nhiều biện pháp, như triển khai hệ thống phun nước và quạt thổi khói để kiểm soát ô nhiễm. Nhưng phe chỉ trích cho rằng nên đề ra giải pháp giảm ô nhiễm dài hạn thay vì áp dụng các giải pháp tình thế.
Hồng Hạnh (Theo AP/Guardian)