Tỷ phú Elon Musk hôm 24/11 chia sẻ video hàng loạt phương tiện bay không người lái (drone) phối hợp hoạt động theo bầy. “Trong khi đó, một số kẻ ngốc vẫn chế tạo tiêm kích có người lái như F-35”, ông viết trong bài đăng và kèm theo biểu tượng thùng rác.
Ở phần phản hồi bên dưới bài viết, một số người dùng mạng xã hội lập luận rằng F-35 có thể bay cao, xa và nhanh hơn so với drone, cũng như mang được nhiều loại vũ khí hiện đại.
“Thiết kế F-35 đã tệ hại ngay từ giai đoạn triển khai, vì nó được yêu cầu làm quá nhiều nhiệm vụ cho quá nhiều lực lượng. Điều này khiến nó trở nên đắt đỏ và phức tạp, làm được nhiều thứ nhưng không vượt trội trong lĩnh vực nào. Dự án này không thể thành công. Tiêm kích có người lái đang dần lạc hậu trong thời đại của drone, chúng chỉ khiến phi công sớm thiệt mạng”, ông nói.
Tỷ phú Musk cũng khẳng định drone vũ trang có thể làm những nhiệm vụ như thả bom và phóng tên lửa, nhưng không gây nguy hiểm tính mạng cho phi công.
Phát ngôn viên Lockheed Martin, nhà sản xuất dòng F-35, sau đó tuyên bố đây là “tiêm kích hiện đại nhất, có khả năng sống sót và kết nối cao nhất thế giới, đồng thời là phương tiện răn đe quan trọng, đóng vai trò nền tảng của hoạt động hiệp đồng tác chiến đa mặt trận”.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định dòng F-35 “hoạt động cực kỳ tốt trước những mối đe dọa mà chúng được thiết kế để đối phó”. “Các phi công liên tục nhấn mạnh rằng đây là mẫu tiêm kích mà họ muốn điều khiển khi ra trận”, người này cho biết.
Mauro Gilli, chuyên gia về công nghệ quân sự tại trường đại học ETH Zurich ở Thụy Sĩ, cho rằng tỷ phú Musk đưa ra một số chỉ trích hợp lý về chương trình F-35, song vấn đề đội giá và trễ thời hạn không phải do đây là tiêm kích có người lái.
“Nguyên nhân chính của đội giá cùng các vấn đề khác là thiết bị điện tử và đặc biệt là phần mềm điều khiển. Máy bay không người lái (UAV) có năng lực tương đương F-35 còn đòi hỏi chi phí lớn hơn”, ông nói.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn tỷ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy làm lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ, cơ quan có nhiệm vụ “cắt giảm quy định không cần thiết, giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang”.
Chưa rõ ông Musk có dự định tác động tới kế hoạch hay kinh phí cho chương trình F-35 hay không. Đây là chương trình phát triển tiêm kích đắt đỏ nhất của Lầu Năm Góc với tổng chi phí lên tới khoảng 485 tỷ USD và có thể tiếp tục tăng lên. Dự án đã đội giá thêm 10% trong năm nay do cần cải thiện khả năng làm mát của động cơ.
Hệ thống cảm biến tiên tiến, kết nối bảo mật tốc độ cao và khả năng tàng hình giúp F-35 trở thành tiêm kích lý tưởng cho hoạt động tác chiến sâu trong vùng trời đối phương kiểm soát, truyền cảnh báo hoặc thông tin mục tiêu cho các đơn vị tuyến sau để tấn công mục tiêu ở tầm xa với hiệu quả cao nhất.
F-35 cũng sở hữu một số tính năng không xuất hiện trên dòng F-22, như hệ thống hiển thị thông tin trên mũ bay và Tổ hợp trinh sát dẫn bắn quang – điện tử (EOTS) có thể phát hiện mục tiêu, dẫn đường cho vũ khí thông minh mà không cần tới radar.
Khoảng 3.000 máy bay dự kiến được sản xuất trong toàn bộ chương trình F-35, với 1.000 chiếc đã xuất xưởng và bàn giao cho quân đội Mỹ cùng đồng minh. Các tiêm kích F-35 dự kiến hoạt động tới năm 2088, chương trình sẽ tốn hơn 2.000 tỷ USD để chế tạo và duy trì hoạt động của máy bay.
Ông Musk nhiều lần đề xuất giới chức Mỹ cân nhắc phương án biến tiêm kích có người lái thành UAV để theo kịp xu hướng, đồng thời giúp hoạt động mua sắm của không quân Mỹ duy trì tính cạnh tranh.
Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, AP)