“Ngay lúc này, họ có thể sử dụng tên lửa ATACMS để tự vệ trong tình huống cấp thiết. Điều đó đang xảy ra ở trong và xung quanh tỉnh Kursk”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố trong buổi họp báo hôm 25/11, khi được yêu cầu bình luận về hiệu quả trong cách Ukraine sử dụng đạn ATACMS do Mỹ viện trợ.
ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn khoảng 300 km. Đây là loại vũ khí có tầm bắn xa nhất mà phương Tây viện trợ cho Ukraine đến nay. Kirby cho biết sẽ để phía Ukraine thông tin về cách Kiev sử dụng tên lửa ATACMS, trình tự nhắm mục tiêu, mục đích và hiệu quả liên quan.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ sau đó nói “chưa có gì thay đổi…”, dường như ám chỉ chính sách của Mỹ về cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Washington để tập kích lãnh thổ Nga, song dừng lại nửa chừng.
“Hiển nhiên là chúng tôi đã thay đổi hướng dẫn và đưa ra định hướng mới rằng họ có thể sử dụng chúng để tập kích các mục tiêu trên”, ông Kirby nói tiếp.
Đây là lần đầu tiên giới chức Mỹ xác nhận đã gỡ rào vũ khí cho Ukraine. Truyền thông Mỹ hôm 17/11 đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga, song Nhà Trắng khi đó không thừa nhận.
Sau đó hai ngày, Ukraine phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh Bryansk của Nga, gây cháy một kho đạn. Hôm 21/11, Kiev khai hỏa tiếp loạt tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh viện trợ và đạn HIMARS vào các cơ sở quân sự tại tỉnh Bryansk và Kursk, trong đó có một sở chỉ huy của cánh quân Bắc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đòn tập kích đã gây ra thương vong, song khẳng định bộ chỉ huy cánh quân Bắc không bị ảnh hưởng.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/11 tuyên bố đã đánh chặn 8 tên lửa đạn đạo của Ukraine, nhưng không đề cập chủng loại hay vị trí chúng bị bắn hạ. Truyền thông Ukraine nhận định đây có thể là tên lửa ATACMS.
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự ATACMS chỉ có thể mang lại một số lợi thế chiến thuật cho Ukraine, khiến Nga gặp khó khăn trong công tác hậu cần, nhưng không thể thay đổi được cục diện chiến trường. Một số nguồn tin cho hay Ukraine mới tiếp nhận tổng cộng 50 tên lửa ATACMS và khó có thể nhận thêm trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Nga hôm 21/11 phóng 9 tên lửa các loại vào thành phố Dnipro ở miền trung Ukraine, trong đó có tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu vượt âm phi hạt nhân Oreshnik, một trong các vũ khí mới nhất của Moskva.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vụ phóng tên lửa Oreshnik là “hồi chuông cảnh tỉnh” với phương Tây, sau khi họ liên tục phớt lờ cảnh báo từ Tổng thống Putin.
Ông Putin hồi tháng 9 cho biết Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga sẽ đẩy Washington và đồng minh vào cuộc chiến trực tiếp với Mosvka, thêm rằng nước này sẽ đưa ra quyết định phù hợp để đáp trả.
Phạm Giang (Theo Anadolu, RT, Ukrainska Pravda)